Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải là điểm xa nhất của tỉnh Kiên Giang. Trước đây, khách du lịch ít biết đến nơi này và chỉ ba năm trở lại đây, khách mới tìm đến Nam Du. Chủ tịch UBND xã An Sơn Phạm Thanh Việt cho biết: “Chúng tôi bắt đầu đón nhiều khách du lịch từ khi có tàu cao tốc đi Rạch Giá nối chuyến đến Nam Du. Trước kia đi tàu bình thường mất từ 10 đến 12 giờ, sức chở lại hạn chế, cho nên vài năm đầu đón chỉ vài trăm tới một nghìn du khách là cùng”. Có thể nói, tuyến tàu cao tốc chính là động lực thúc đẩy du lịch Nam Du phát triển. Chỉ riêng trong tám tháng của năm 2016, vùng quần đảo này đã đón gần 58 nghìn lượt khách, gấp 50 lần so năm 2010.
Quần đảo Nam Du bao gồm 21 đảo, chia tách hai xã An Sơn và Nam Du từ năm 2005, trong đó, An Sơn là xã thu hút rất nhiều du khách. Toàn xã đảo có 59 nhà trọ với sức chứa 349 phòng, chủ yếu ở ấp Hòn Tron, trung tâm đảo Nam Du. Hiện tại, xã có khoảng 21 phương tiện chở khách tham quan du lịch các đảo, trong đó có 15 tàu công suất lớn. Bến tàu của xã đang có hai hãng tàu khai thác đưa đón du khách tốc hành từ Rạch Giá sang Nam Du.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ đầu tư của huyện Kiên Hải và tỉnh Kiên Giang, xã An Sơn đã làm một tuyến đường kiên cố bao quanh đảo Nam Du để giúp du khách di chuyển dễ dàng khi tham quan. Tuy du lịch Nam Du chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây, song đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong xã. Về thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá cao hằng năm, riêng tám tháng năm 2016, tổng thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lên đến 251 tỷ đồng.
Đến với Nam Du, du khách được cùng ăn, cùng ở, cùng tận hưởng đời sống gắn chặt với biển của bà con xã đảo. Với giá cả ăn uống, lưu trú, sinh hoạt khá thấp, khách có thể đến nghỉ tại nhà dân, hòa nhập, tìm hiểu về đời sống và những nghề lao động biển trong sự thân thiện của cộng đồng. Du khách thật sự được tham gia vào những tour du lịch sinh thái biển đúng nghĩa cùng những hướng dẫn viên là các ngư dân. Họ được thưởng thức đặc sản biển như cua, ghẹ, cá biển tươi ngon vừa được câu hoặc đánh bắt từ biển, thăm và tìm hiểu quy trình nuôi cá bớp trên các lồng bè với các trải nghiệm thú vị. Không chỉ có vậy, tiềm năng du lịch biển Nam Du còn là những bãi tắm khá hoang sơ như bãi Mến lớn, Mến nhỏ, bãi Sỏi, bãi Ngự, Đuối Nai, hòn Mấu, hòn Lớn hay ngắm đảo san hô hòn Ông…
Anh Phạm Văn Lưu, một chủ bè cũng là tài công thường xuyên chở khách tham quan các đảo cho biết: “Cả đời chúng tôi gắn bó với đảo. Dẫn du khách tham quan đảo cũng là giới thiệu cho họ hiểu về quê hương mình cho nên chúng tôi luôn bảo nhau giữ gìn môi trường sinh thái, không vứt rác xuống biển, không bẻ san hô, dọn rác trên bãi… Tất cả bà con nơi đây, từ người kinh doanh du lịch đến người dân thường đều có ý thức bảo vệ cảnh đẹp cũng như môi trường nơi mình sống”.
Tuy nhiên, có một thực tế là Nam Du mới thu hút khách du lịch sinh thái nhỏ lẻ, chưa có những tour, tuyến của những công ty lữ hành hàng đầu. Nguyên nhân chính do khả năng đáp ứng về hạ tầng còn khá thấp, chưa có bất kỳ một khách sạn, nhà hàng nào đủ năng lực đón hàng trăm du khách cùng lúc.
Hiện xã chỉ mới có hai nhà đầu tư đang xin phép xây dựng một nhà nghỉ sinh thái bằng công-ten-nơ và một nhà nghỉ quy mô vài chục phòng. Một hạn chế khác của Nam Du là chưa có lưới điện quốc gia, nguồn nước ngọt cũng ít vì hồ chứa nước An Sơn nhỏ. Theo Chủ tịch UBND xã An Sơn Phạm Thanh Việt, để du lịch Nam Du phát triển xứng tầm, đảo đã và đang cần hỗ trợ đầu tư lưới điện quốc gia, xây thêm hồ chứa nước ngọt và các khách sạn, nhà nghỉ, hệ thống dịch vụ…
Không có những đầu tư đồng bộ nêu trên, khi lượng khách tăng sẽ dẫn đến quá tải, khó đáp ứng nhu cầu của họ. Đổi lại, với số lượng khách vừa đủ trong năng lực khai thác, loại hình du lịch cộng đồng đang tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp Nam Du giữ vững được những nét đẹp tự nhiên độc đáo.
BẢO TRỊ, VIỆT TIẾN