Khai thác sản phẩm du lịch mới ở Quảng Bình: Đánh thức tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tính đến nay, Quảng Bình đã phê duyệt 34 đề án, cho phép khai thác thử nghiệm một số sản phẩm, điểm du lịch mới trên địa bàn. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS được các địa phương ở tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư để thu hút du khách, đặc biệt là một số mô hình du lịch cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.


Du khách tìm hiểu văn hoá của người Bru- Vân Kiều tại xã miền núi Ngân Thuỷ – Lệ Thuỷ

Tháng 6 năm 2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa- lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch đã đưa vào khai thác thử nghiệm nhiều dự án sản phẩm mới, có giá trị cao và được du khách rất ưa chuộng. Trong các sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Trải nghiệm lái xe địa hình (ATV) khám phá cảnh quan, thiên nhiên rừng lim thôn 4, xã Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa; Khám phá thiên nhiên thức Mụ Mệ, Vườn địa đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy; Thám hiểm Hang Ba; Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy…

Tại Samarkand (Uzbekistan, giờ địa phương), UNWTO đã vinh danh Tân Hóa là địa danh duy nhất của Việt Nam trở thành Làng Du lịch tốt nhất thế giới trong danh sách bầu chọn 260 địa danh đến từ 60 quốc gia. Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích vinh danh những ngôi làng du lịch đã bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn; đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.

Homestay nhà nổi độc đáo ở Tân Hóa để thích ứng với thời tiết và biến đổi khí hậu.

Trước đây, xã Tân Hoá vốn là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã có dân số khoảng 3300 người, đa phần là người Nguồn. Từ năm 2010 về trước, cứ đến mùa lũ lụt, đồng bào nơi đây phải chạy lên núi để trú. Nhưng giờ đây, nhờ những ngôi nhà phao, người dân đã có thể sống thích ứng an toàn.

Sau cơn đại hồng thủy 2010, để chung sống với lũ, đồng bào nơi đây đã sáng tạo ra mô hình nhà nổi. Các ngôi nhà được làm bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao. Nước dâng thì nhà nổi lên, cả gia đình sinh hoạt trong nhà nổi khi đã có đủ lương thực, thực phẩm cùng tài sản quý và các thiết bị quan trọng khác.

Hiện nay, Tân Hóa có 10 homestay dựa trên những ngôi nhà nổi. Mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này được thiết kế khép kín với không gian rộng rãi và tiện nghi, diện tích từ 25m2 đến 40m2. Nằm trong khuôn viên nhà dân, du khách đến ở homestay này được trải nghiệm cuộc sống của người địa phương và dùng bữa cùng bà con cũng như tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bên dòng sông Rào Nan xanh mầu ngọc bích. Còn khi có lũ, các homestay nổi lên để du khách sinh hoạt bình thường hoặc có thể di chuyển chung quanh khu vực và tận mắt thấy cảnh quan thiên nhiên khác lạ chỉ có ở những ngày lũ lụt.

Tú Làn Lodge – mô hình lưu trú thích ứng thời tiết độc đáo ở làng Tân Hoá

Anh Trương Xuân Hùng, chủ Homestay Hùng Liên ở Tân Hóa cho biết: “Tôi đang làm nhân viên khuân vác cho tour tham quan hang động Tú Làn có thu nhập ổn định, nay được hỗ trợ làm thêm dịch vụ lưu trú ngay tại nhà nữa cho nên bận rộn và có thu nhập cao hơn. Khách du lịch đến nhà ở đã giúp chúng tôi thay đổi nhận thức, nếp sống và gia đình rất vui vì có thể làm việc, phục vụ khách du lịch ngay trên quê hương mình”.

Chín tháng năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình đón hơn 3,6 triệu lượt khách, vượt kế hoạch năm 2023 và tăng gấp 2,32 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa đạt hơn 3,5 triệu lượt; khách quốc tế đạt 89.382 lượt, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú 9 tháng đạt trên 454 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần.

Đáng chú ý, năm nay, du lịch Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực từ du khách nội địa và khách quốc tế. Các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế như Lonely Planet (Mỹ), The Travel (Canada), Wanderlust (Anh), Booking.com, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của du lịch Quảng Bình.

Những sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng của đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc đánh thức, khai thác tiềm năng của vùng đất nơi đại ngàn Trường Sơn.

Hồng Phúc
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn