Khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng
Huyện Bá Thước có Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng tiểu vùng khí hậu mát mẻ, dân cư sinh sống thuần hậu, canh tác trên đất dốc, hình thành những cánh đồng ruộng bậc thang, hấp dẫn du khách.
Khai thác lợi thế du lịch sinh thái, cộng đồng, huyện Bá Thước lồng ghép nguồn vốn, đầu tư các tuyến giao thông kết nối; huy động nhân dân kiên cố hóa đường thôn, thu gom, xử lý rác thải, giữ vệ sinh nguồn nước.
Văn phòng điều phối nông thôn mới hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nhân lực, củng cố mô hình hợp tác phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bản Kho Mường, xã Thành Sơn. Đường giao thông bản Kho Mường cùng lan can, cầu trên tuyến, rãnh thoát nước được thi công, nâng cấp; các hộ dân chỉnh trang nơi ở, khu dân cư, tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thành Sơn Hà Văn Tuân ghi nhận: Hoạt động du lịch khởi sắc, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 21.555 lượt khách, trong đó có 2.701 lượt khách quốc tế. 15 khu nghỉ dưỡng, homestay tạo việc làm, thu nhập cho gần 100 lao động địa phương. Đưa du lịch về thôn bản, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy kinh tế, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân, giảm áp lực vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Điểm quần cư và canh tác trên đất dốc khu vực Quốc Thành, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Thượng du Thanh Hóa có cảnh quan hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Vườn quốc gia Bến En, nơi giao thoa giữa 2 luồng thực vật bắc và nam Việt Nam với nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Đây cũng là nơi sinh sống của gần 700 nghìn đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mường, H’Mông, Dao, Khơ Mú với những sắc thái văn hóa độc đáo. Thông qua các chương trình, dự án, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên.
Người dân bản Đôn, xã Thành Lâm đưa, đón khách du lịch
Phó trưởng Phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch Lê Trạc Nam trao đổi: Phát triển du lịch là chương trình công tác trọng tâm trong 2 nhiệm kỳ, tiếp tục được cụ thể hóa theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, các đề án phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại các huyện miền núi.
Thanh Hóa đã phê duyệt 32 quy hoạch liên quan phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, làm cơ sở thu hút đầu tư, tập trung đầu tư hạ tầng điểm đến.
Tỉnh bố trí hơn 2.800 tỷ đồng thực hiện 27 dự án hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông kết nối; xây dựng 79 nhà vệ sinh đạt chuẩn, gần 400 biển chỉ dẫn các điểm tham quan, du lịch, làng nghề.
Nhiều dự án du lịch quy mô lớn ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, huyện Bá Thước có tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch cộng đồng.
Cơ quan chuyên môn tổ chức 8 lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng cho 940 người dân; 12 lớp biên đạo, luyện tập, phục dựng, truyền dạy các loại hình văn hoá dân gian; công bố các tour du lịch, xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, cộng đồng; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, bảo tồn, khôi phục các di sản phi vật thể, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực truyền thống; hướng dẫn cộng đồng sở tại cùng chỉnh trang cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ, du lịch.
Tiềm tàng dư địa tăng trưởng
Thanh Hóa có 1.535 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 854 di tích được xếp hạng cùng kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Đây cũng là nơi phát lộ, khu vực trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn tỏa sáng từ thuở vua Hùng dựng nước; nơi sinh thành, dưỡng dục nên Lê Hoàn, Lê Lợi, quê hương của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn.
Các di tích, danh thắng, di sản vật thể, phi vật thể phần lớn phân bố ở nông thôn, được bảo lưu, gắn kết với nông dân, mặt trận sản xuất nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái ở Thanh Hóa là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch, tăng tỷ trọng khách quốc tế.
Tỉnh định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, cộng đồng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái của từng vùng, miền, địa phương; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường.
Bảo tồn, tái diễn cồng chiêng trong đồng bào Mường ở tỉnh Thanh Hóa
Năm 2022, du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Hóa thu hút 927 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 1.076 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Tổng thu du lịch của tỉnh 9 tháng đầu năm nay ước đạt 22.689 tỷ đồng, trong đó có đóng góp đáng kể của du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
Các loại hình, hoạt động du lịch này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt hấp dẫn, thu hút du khách.
Dù vậy, khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, cộng đồng chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên, tự phát nên dễ trùng lặp. Hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch chưa thường xuyên. Hạ tầng du lịch ở miền núi, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trải nghiệm ở làng du lịch Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa, Vương Thị Hải Yến nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thành các quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch theo thế mạnh từng vùng, chú trọng quy hoạch không gian, có tham gia của người dân địa phương, ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn có khả năng phát triển du lịch.
Tăng cường phối hợp quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, thành lập Ban quản lý có đại diện cộng đồng dân cư. Huy động các công ty lữ hành kết nối, đưa khách đến các điểm du lịch; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, cộng đồng, chia sẻ hài hòa lợi ích các bên tham gia. Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người dân địa phương thành nhân viên du lịch lành nghề.
Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy-điểm đến của du khách
Thanh Hóa phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn, tái hiện văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; thành lập các hợp tác xã cùng đầu tư phát triển làng nghề.
Tiếp tục khơi thêm nguồn lực nội sinh kết hợp với các nguồn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc, miền núi; khảo sát, xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đa trải nghiệm; đẩy mạnh truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, cộng đồng; tăng cường liên kết, tăng chuỗi giá trị du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sinh thái bền vững.