Dưa lưới là một trong những cây trồng chủ lực ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Phú Giáo
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Với sự nỗ lực không ngừng, huyện Phú Giáo đã có bước phát triển vượt bậc, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay, huyện có 7/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng đã đăng ký triển khai đề tài “Phát triển du lịch nông nghiệp CNC theo định hướng làng thông minh tại huyện Phú Giáo”.
Thời gian qua huyện Phú Giáo đã quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đây được coi là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững. Hiện nay, huyện Phú Giáo có 547 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 1.200 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Huyện Phú Giáo phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản của huyện đạt bình quân hàng năm từ 6-7%/ năm. Triển khai chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp gắn với lợi thế vùng, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa và lịch sử truyền thống địa phương, hình thành sản phẩm du lịch nông thôn, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp CNC. |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được huyện chú trọng đẩy mạnh thực hiện, kết quả đến nay có 21 sản phẩm OCOP đạt từ3 – 4 sao. Cùng với đó, đến nay huyện Phú Giáo đã được Cục Sở hữu trítuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với hồ tiêu, cam và bưởi. Huyện cũng đã có 2 mã vùng trồng chuối với diện tích 250 ha và 1 mã trồng mít xuất khẩu với diện tích 70 ha; đồng thời, đang phối hợp xây dựng 1 mã xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Các mô hình này đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện của huyện, bước đầu có sự phát triển, đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất khả quan.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành các khu, dựán, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp CNC quy mô lớn, như: Khu nông nghiệp CNC An Thái với diện tích hơn 410 ha của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I; khu chăn nuôi bò sữa Anova có diện tích 471 ha ở xã Phước Sang; khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty Cổ phần Vinamit với diện tích hơn 152 ha và Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Long ở xã An Bình trồng dưa lưới ứng dụng CNC.
Nhiều giải pháp đột phá
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, huyện Phú Giáo có rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển nông nghiệp CNC gắn với phát triển du lịch sinh thái như cơ sở hạ tầng đồng bộ, khíhậu ôn hòa, thổ dưỡng tốt. Từ đó, huyện Phú Giáo đã thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ phát triển nông nghiệp CNC, các mô hình du lịch nông nghiệp từng bước hình thành. Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo cũng có nhiều khu di tích lịch sử… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện nói chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa có giải pháp ứng dụng giải công nghệ cho các chủ thể, nông hộ quy mô nhỏ, sản xuất về cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, manh mún. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn thấp; số lượng mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh chưa tương xứng với tiềm năng…
TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), cho rằng để phát triển nông nghiệp CNC gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, huyện Phú Giáo cần tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng bản đồ nông hóa thổ dưỡng; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn để liên kết doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; chính quyền hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết; tổ khuyến nông cộng đồng làm trung gian, làm du lịch để kết nối hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết.
Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo bảo đảm đúng định hướng về ứng dụng CNC gắn với du lịch sinh thái, trong giai đoạn tới, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Phú Giáo cần quan tâm đến quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng khuyến khích chăn nuôi. Đồng thời, huyện cũng cần quan tâm đến triển khai các ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng mã vùng trồng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà”, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 của huyện Phú Giáo sẽ đáp ứng nhu cầu, mong ước của nhân dân trong huyện, làm cho huyện ngày càng phát triển hiện đại, thông minh, thịnh vượng, bền vững. Để hiện thực hóa các mục tiêu từ nay đến năm 2030, huyện Phú Giáo sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển của huyện, tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thân thiện với môi trường trong sản xuất.
Thoại Phương
Báo Bình Dương – baobinhduong.vn