Du khách tham quan làng nghề đan đó Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)
Làng Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà giữ được nét cổ kính của làng quê Bắc Bộ, đây là làng nghề nổi tiếng với nghề đan đó truyền thống hơn 200 năm tuổi. Ngày nay, tuy đó, rọ không còn được người nông dân sử dụng nhiều để đánh bắt tôm, cá nhưng số lượng đơn hàng vẫn tăng vì nhu cầu trang trí tại các nhà hàng, cửa hiệu, hay dùng làm đạo cụ quay phim. Các sản phẩm của làng Tất Viên không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Vào những ngày nông nhàn khi người dân không còn bận rộn với công việc đồng áng, đâu đâu cũng thấy những bàn tay thoăn thoắt đan đó, đan rọ. Trước sân nhà hay dưới những tán lá cây rợp mát, du khách có thể chứng kiến cảnh những người dân tập trung đan đó, chốc chốc lại rộ lên tiếng cười đùa vui giữa không gian yên ả, thanh bình. Chính nét đẹp hồn quê ấy đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan làng nghề mỗi năm. Tại đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về quy trình tạo ra sản phẩm mà còn được tận tay trải nghiệm và học tập cách vót nan, đan đó tạo nên những sản phẩm của riêng mình. Sau khi đan những chiếc đó, rọ, du khách có thể đóng vai người nông dân mang những sản phẩm của mình ra đồng trải nghiệm học cách bắt tôm, cua, cá. Đối với những du khách sinh ra và lớn lên ở thành thị, đây là một trải nghiệm hết sức thú vị.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm vừa quen thuộc, vừa mới lạ, độc đáo. Khi lựa chọn loại hình du lịch này, du khách sẽ có các trải nghiệm thú vị, chẳng hạn như thử làm nông dân, tự tay làm đồ thủ công mỹ nghệ, tham quan các làng nghề truyền thống, mua sắm đồ lưu niệm, đồ đặc sản vùng miền… hay đơn giản là chụp ảnh lưu niệm với các cảnh đẹp làng quê như cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen, nhà cổ, cổng làng, ngõ nhỏ… Thực tế cho thấy, dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số địa phương trong tỉnh bước đầu đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan. Ở Hưng Yên, du lịch nông thôn chủ yếu là hình thức tham quan làng nghề, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội… Gần đây, một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như các làng hoa, cây cảnh ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở (Văn Giang); làng thuốc Nam Nghĩa Trai ở xã Tân Quang (Văn Lâm); Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)…
Hiện nay, nhiều du khách rất ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp, vừa được thư giãn, hòa mình vào không gian trong lành, bình yên, vừa có thể thưởng thức những loại trái cây tươi ngon, an toàn ngay tại vườn và mua về làm quà tặng bạn bè, người thân… Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa con đến tham quan và trải nghiệm hái nho tại Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển nông nghiệp xanh Hồng Nam, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên), chị Nguyễn Lệ Hằng ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động) chia sẻ: Không đơn thuần là một chuyến du ngoạn mà đây còn là hình thức cho các con học tập qua trải nghiệm thực tế, được gần gũi với thiên thiên, qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân, biết trân trọng và yêu lao động.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể du lịch nông thôn, nông nghiệp ở tỉnh mới chỉ có tại một vài địa điểm với những dịch vụ đơn lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng nên nguồn thu không lớn, thường chỉ tập trung vào bán các sản phẩm làng nghề, nông sản… Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh hướng đến mục tiêu tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Để hoàn thành các mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh và các địa phương cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho việc tổ chức không gian các khu, điểm du lịch; đồng bộ kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, quan tâm đào tạo nhân lực; xúc tiến quảng bá; kết nối tua, tuyến du lịch với các điểm đến trong tỉnh; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng vùng, miền và theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Song song với khai thác, tỉnh cần có chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích lịch sử; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển bền vững.
Lê Hiếu
Báo Hưng Yên điện tử – baohungyen.vn