Du khách tham quan Trung tâm du lịch A Lưới
Theo bà Ating Tươi – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Trưởng khối liên kết năm 2016: Quá trình hợp tác liên kết du lịch 4 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và A Lưới đánh dấu thời gian 2 năm kể từ khi triển khai ký kết biên bản hợp tác giữa các địa phương vào ngày 10/2/2014. Năm 2017, cụm sẽ tập trung liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức ILO, UNESCO và sự tham gia chuyên môn của các Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cụm liên kết đã cho ra đời Cẩm nang du lịch Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua Đông Giang – Nam Giang – Tây Giang – A Lưới; xây dựng các ấn phẩm, panô quảng bá du lịch mỗi địa phương đặt tại điểm du lịch…
Nhiều hãng lữ hành đã đưa khách đến các điểm du lịch này như Công ty Cổ phần HG Huế, Công ty Cổ phần truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch Đại Bàng, Công ty cổ phần du lịch – dịch vụ Hội An, Công ty TNHH Du lịch Khám phá Mạo hiểm Hội An,… với các tour đa dạng và hấp dẫn.
Để thắt chặt hơn sự liên kết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết sẽ nghiên cứu hình thành trang web chung của 4 huyện và kiến nghị với chính quyền địa phương trong việc xây dựng đường vào các điểm du lịch. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ phối hợp để mời các đoàn Famtrip khảo sát các điểm đến du lịch, hỗ trợ xây dựng tour du lịch liên kết 4 địa phương, tổ chức những khóa tập huấn nghiệp vụ du lịch cũng như tìm kiếm các đối tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển du lịch của 4 huyện miền núi.
Trong tương lai, việc nối kết tour du lịch sinh thái sẽ tận dụng được lợi thế của đường mòn Hồ Chí Minh, đây là tuyến đường gắn với các điểm du lịch sinh thái nổi bật khu vực miền Trung như Động Thiên Đường, Động Phong Nha (Quảng Bình), Khe Sanh (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Đông Giang – Tây Giang – Nam Giang (Quảng Nam)… hứa hẹn sẽ là cung đường nối kết các điểm đến, tạo cơ hội cho khách du lịch có thể đến tham quan từ Đà Nẵng đến Quảng Bình, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương vùng miền núi, hỗ trợ bảo vệ môi trường điểm đến, giảm thiểu nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy, hủy hoại đến cảnh quan thiên nhiên.
Với địa hình chủ yếu là rừng núi xen lẫn những dải thung lũng, có hệ thống sông suối dày đặc với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu lý tưởng, 4 địa phương nói trên là nơi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, ở đây có nền văn hóa đa sắc của nhiều dân tộc như Cơtu, Pakô, Tà Ôi, Pahy, Vân Kiều, Kinh… với các nghề truyền thống, nổi bật là nghề dệt thổ cẩm, dệt Zèng của cộng đồng Cơtu lớn nhất Việt Nam. Dệt thổ cẩm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và dệt Zèng Tà Ôi (A Lưới) đã lần lượt được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015 đến nay.
Theo tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), với xu hướng du khách ngày ưa thích du lịch thiên nhiên, năm 2016 và những tháng đầu hè 2017, lượng du khách đổ về các điểm du lịch sinh thái gắn với rừng núi, thiên nhiên hoang dã, không khí trong lành tăng lên nhanh chóng. Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch bền vững hòa hợp với môi trường tại các tỉnh miền Trung đang trở nên hấp dẫn.
Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, có 40 tour liên kết 4 địa phương (A Lưới- Đông Giang- Tây Giang- Nam Giang) với 258 khách nước ngoài đến tham quan tại các điểm du lịch A Lưới. Số lượng khách tham quan tự do thống kê đạt khoảng 9.297 khách. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 4,25 tỷ đồng, tăng 450 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016. |