Hội thảo “Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững”

Ngày 03/11/2023, tại Nông trại Hải Vân – Sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái (DLST) bền vững”.

 

Sản phẩm du lịch sinh thái tại Nông trại Hải Vân - sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ.

Sản phẩm du lịch sinh thái tại Nông trại Hải Vân – sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ

Với lợi thế sông nước miệt vườn, kênh rạch đan xen cùng những vườn cây ăn trái ngọt lành, là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và ẩm thực đa dạng của người dân xứ Dừa. Trong những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách bền vững, nhiều khu, điểm du lịch mới, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống được hình thành đi vào hoạt động với các loại hình DLST, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Nhất là du lịch trải nghiệm ở nông thôn đang là hướng đi mới góp phần phát huy lợi thế, giá trị của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó, có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 22 doanh nghiệp lữ hành nội địa; gần 100 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng trên 3.000 khách, trong đó, có 34 dịch vụ homestay, trên 50 khu, điểm du lịch. Tỉnh hiện có 9 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 40% so với tổng số các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó có thể thấy rằng, ngày càng nhiều “nông dân” đã nắm bắt đúng xu thế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, khi “Nông dân làm du lịch” phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch; cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; các hộ dân làm du lịch trong tỉnh chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn chưa đặc sắc.

Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Với mong muốn góp phần cùng ngành du lịch tỉnh nhà phát triển gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử truyền thống kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng môi trường du lịch thân thiện gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm để giới thiệu, quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch cộng đồng cho các cấp Hội, hội viên nông dân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên bản địa và lợi ích cộng đồng.

Tại hội thảo, có 14 tham luận, thảo luận của các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố, các chuyên gia, nhà báo về các nội dung liên quan như: Nông dân Bến Tre phát triển DLST; phát huy DLST gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; phát triển DLST ở Bến Tre – thực trạng và giải pháp; tác động của ngành du lịch đến môi trường và giải pháp của tỉnh; tiềm năng và giải pháp phát triển DLST bền vững tại Bến Tre; Hội Nông dân góp phần xây dựng Làng văn hóa du lịch ở Chợ Lách; nông dân phát triển DLST biển; kỹ năng khi nông dân làm DLST; xu thế tất yếu – phát triển DLST; truyền thông quảng bá cho DLST ở Bến Tre…

Phát biểu của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn tại hội thảo.

Phát biểu của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn tại hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn cho rằng, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó, phát triển du lịch được xem là một hướng đi mới – phát triển du lịch nông nghiệp, DLST là một trong những giải pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình DLST này tại Bến Tre một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển DLST trong sự phát triển bền vững của địa phương.

Xác định hoạt động DLST không thể tách rời với môi trường tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và cần có cơ chế chính sách đặc thù, các chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư quy mô lớn tham gia đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm DLST trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng…

Tin, ảnh:Thành Lập

Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn