Các đại biểu dự hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, toàn tỉnh có 7 làng nghề hoa, cây cảnh được công nhận, trong đó, huyện Văn Giang có 5 làng nghề, huyện Khoái Châu có 2 làng nghề. 7 làng nghề có tiềm năng lớn về du lịch, có lợi thế để đào tạo nguồn nhân lực, liên kết với một số cơ sở đào tạo có chuyên môn cao về hoa, cây cảnh và du lịch. Để phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp, ngày 01/3/2022 UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các địa phương quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông… nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề hoa, cây cảnh nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển du lịch làng nghề.
Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên các làng nghề hoa, cây cảnh hầu như chưa chú ý xây dựng cảnh quan làng nghề gắn với du lịch. Các chính sách để kết nối giữa phát triển sản phẩm của làng nghề với phát triển du lịch chưa đủ mạnh để khai thác ưu thế vốn có về du lịch của các làng nghề hoa, cây cảnh. Nhiều địa phương không còn quỹ đất phù hợp để phát triển hoa, cây cảnh tập trung…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận thực trạng và đưa ra giải pháp phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp trong thời gian tới như: Phát triển hạ tầng giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh và du lịch làng nghề; vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề; phát triển sản phẩm làng nghề với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái…
Minh Hồng
Báo Hưng Yên điện tử – baohungyen.vn