Năm 2024, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết có liên quan, đồng thời lan toả nội dung, ý nghĩa và giá trị của chương trình.
“Sản phẩm của cơ sở mình thì được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Mình hi vọng là sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến hơn”, chị Mai Thị Kim chủ cơ sở Kim Sen Sẻ bày tỏ.
Cạnh đó, sản phẩm mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương và nấm mối Uyên Khang được đăng ký đánh giá công nhận lại hạng 3 sao, đăng ký công nhận lại hạng 4 sao đối với sản phẩm đèn lồng Hội An (đèn lồng Dé Lantana) của công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam. Cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ Phương Đỏ đăng ký nâng lên hạng 4 sao đối với bộ sản phẩm gốc tre mỹ nghệ Phước Lộc Thọ – Phương Đỏ.
Theo kế hoạch của UBND TP.Hội An về triển khai chương trình OCOP năm 2024, cơ quan chuyên môn của thành phố hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm được phê duyệt xây dựng, hoàn thiện phương án kinh doanh; tư vấn, phối hợp với các chủ thể chuẩn hoá và phát triển sản phẩm như đầu tư máy móc, trang thiết bị; thiết kế, in ấn bao bì; đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ; mã số, mã vạch, mã QR code; kiểm định chỉ tiêu ATTP; công bố chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn cơ sở; thiết kế trang web; xây dựng câu chuyện sản phẩm.
TP.Hội An cũng tiếp tục tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các sự kiện lễ hội, hoạt động chợ phiên tại thành phố và phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn có các hoạt động lễ hội văn hoá – du lịch, các tour đưa du khách tham quan, giới thiệu những nét đẹp văn hoá, phong cảnh, sinh hoạt làng quê, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP để thúc đẩy sản xuất, dịch vụ, thương mại làng nghề phát triển theo hướng cộng đồng.
Để phát triển điểm bán hàng OCOP, năm nay, TP.Hội An tiếp tục hướng dẫn HTX Quê Vườn xây dựng phương án kinh doanh Trung tâm OCOP cấp thành phố và trình UBND tỉnh phê duyệt. Cạnh đó, ưu tiên rà soát các địa điểm tại bãi xe, cảng du lịch, tuyến đường trong phố cổ, các điểm du lịch, làng nghề, các khách sạn, nhà hàng, khu dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi để phát triển các điểm bán hàng OCOP theo phương án đã được phê duyệt.
“Thành phố xác định OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Hội An sẽ tăng cường công tác hậu kiểm các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các chủ thể OCOP xác định được giá trị, ý nghĩa của sản phẩm OCOP qua đó tiếp tục duy trì sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Phan Sơn
Đài Truyền thanh – Truyền hình Hội An -hoianrt.vn