Huyện “bắt tay” các trường đại học
Điều kiện tự nhiên ưu ái cho Hòa Bắc nằm ở vùng đệm giữa dãy núi Bạch Mã với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa. Nét văn hóa bản địa, những làng nghề, điệu múa truyền thống của người Cơ Tu tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch huyện Hòa Vang nói chung và xã Hòa Bắc nói riêng phát triển du lịch cộng đồng như mô hình homestay, nhà gươl truyền thống…
Sau hai năm ứng dụng, ngành du lịch địa phương để lại kết quả tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Từ năm 2022 đến nay, xã Hòa Bắc có năm điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú, đón hơn 3.000 lượt khách. Cuối năm 2022, tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với các trường đại học trên địa bàn nhằm phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa trường học, chính quyền và cộng đồng từ mô hình du lịch học tập cộng đồng.
Các tổ du lịch của hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) đã hình thành và chia nhỏ ra thành các nhóm tự thực hiện công việc đã phân công, bảo đảm chất lượng. Khó khăn, sự khắc nghiệt do thời tiết, thiên nhiên tại Hòa Bắc đã gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho người dân. Dẫu vậy, sự đoàn kết, đồng lòng góp phần tiếp thêm động lực cho bà con vượt qua những thách thức khi tham gia vào du lịch học tập cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, cho biết: “Chúng tôi ấp ủ du lịch học tập cộng đồng sẽ lan tỏa rộng mở trên khắp cả nước thông qua các chương trình đào tạo. Từng bước đưa những mô hình này thành những thực tiễn nhằm định hình lại chương trình giáo dục”.
Du lịch mở tương lai sung túc
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, Hòa Vang có nền tảng pháp lý về phát triển du lịch trên đất nông nghiệp từ Nghị quyết số 82/NQ-CP. Đó là cơ sở quan trọng giúp cho xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trong đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái. Những kinh nghiệm của Hòa Bắc đã đạt được sẽ cùng chia sẻ với các địa phương khác trong việc xây dựng kinh tế gắn với du lịch cộng đồng.
Bối cảnh của Hòa Bắc trong giai đoạn hiện tại mang đậm tính bền vững, ổn định cần có cho du khách. Từ xa xưa, tư duy của người dân luôn dựa vào rừng, trân trọng môi trường. Đến nay, tri thức cộng đồng đó tiếp tục nhận được những định hướng của chuyên gia mở ra ao ước tăng nguồn thu nhập, sinh kế cho bà con. Mỗi điểm tạo việc làm cho 5-10 lao động với thu nhập mỗi tháng trung bình sáu triệu đồng/người. Với kết quả khả quan tại homestay của anh Đinh Văn Như, người dân tại thôn Giàn Bí cùng thay đổi suy nghĩ, hiến đất mở đường bê-tông rộng rãi, khang trang dẫn lên nhà gươl của thôn để đón khách. Từ con đường cũ chỉ rộng 1 m, sau khi được dân làng đồng thuận hiến đất, con đường rộng 7 m đã thành hình, mở ra lối đi sạch sẽ cho du khách thẳng hướng về nhà gươl. Cảnh quan, cổng ngõ từng nhà dân được xây dựng từ vật liệu đá lấy ở dòng sông Bắc, sông Nam về.
Chủ trương chung của xã Hòa Bắc trong việc đầu tư du lịch là dựa trên những giá trị sẵn có, không tác động gây ảnh hưởng, phá hoại môi trường. Cụm du lịch Tà Lang, Giàn Bí tập trung phát triển văn hóa cộng đồng, trải nghiệm sinh hoạt, biểu diễn những điệu múa truyền thống phục vụ du khách tìm hiểu… Mới đây, địa phương đã thẩm định phương án xây dựng trung tâm văn hóa du lịch của đồng bào Cơ Tu tại khu tái định cư Tà Lang, Giàn Bí với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Đây sẽ là không gian chung mang dấu ấn người Cơ Tu.
Trong “bức tranh” du lịch chung của TP Đà Nẵng, có thể thấy được điều kiện tự nhiên, xã hội nơi núi rừng Hòa Bắc mang một vẻ cuốn hút thú vị từ du lịch học tập cộng đồng. Vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang đã phối hợp Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng chia sẻ những con đường làm du lịch trong tương lai để người dân có nguồn sinh kế ổn định, bền vững.
Bài và ảnh: Trường An
Báo Nhân dân – nhandan.vn