Sản phẩm OCOP được các cửa hàng nông sản an toàn giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ. Ảnh chụp tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn)
Từ làng xã vươn ra thị trường lớn
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2019. Sau 5 năm thực hiện, nông nghiệp chất lượng mang nét đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Các sản phẩm không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy, nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Nhuận khẳng định: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm hạng 4 sao và 124 sản phẩm hạng 3 sao. Thông qua thực hiện chương trình đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Đằng sau mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện dài về tâm huyết, về lịch sử của gia đình, của người kế thừa công việc kinh doanh. Điển hình như chuyện của “làng thịt chua” ở phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn. Trước đây, ở khắp các vùng Mường trong tỉnh, thịt chua còn được gọi là thịt muối chua, đây chỉ là cách chế biến để bảo quản thịt lợn được lâu. Theo thời gian, món ăn này dần trở thành món ăn truyền thống của bà con dân tộc Mường trong các dịp lễ, Tết và mỗi khi các gia đình đón tiếp khách quý.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Bùi Thị Tin vào những ngày trung tuần tháng 8. Chị Tin cho biết, năm nào cũng vậy, dịp lễ, tết nhu cầu thưởng thức thịt chua tăng vọt. Để làm ra món thịt chua mang hương vị đậm đà, vừa thơm bùi, ngọt, ngậy, các khâu chế biến được gia đình chú ý, cẩn thận từ lựa chọn các nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm đến sơ chế, tẩm ướp thịt. Để gia vị ngấm đều vào từng miếng thịt, dễ lên men, miếng thịt được thái nhỏ; bên cạnh đó sử dụng thính làm từ ngô trồng trên núi bởi có nhiều tinh bột và tạo vị thơm, bùi cho sản phẩm. Điều tạo nên sự khác biệt cho thịt chua Lâm Tin đó là có vị cay nhẹ của hạt dổi, một gia vị đặc trưng của quê hương Lạc Sơn. Từ việc biến món ăn dân dã ấy trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, thịt chua Lâm Tin đã vươn xa khỏi địa phương.
Thực hiện phát triển bền vững sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại… giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với rộng rãi người tiêu dùng. Ngoài việc tăng cường hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh trong cả nước, Hòa Bình hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn… góp phần đưa sản phẩm OCOP vươn xa.
Đổi mới, đổi thị trường
Hiệu quả của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là không thể phủ nhận, song ngành Nông nghiệp cũng thẳng thắn đánh giá, không ít sản phẩm có tính bền vững, tính cạnh tranh không cao. Nhiều mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu bền vững, gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành liên quan trong hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm, hỗ trợ giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên, việc phát huy nội lực, nâng tầm sản phẩm của các chủ thể OCOP đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Là một trong những đơn vị có sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP đầu tiên của huyện Kim Bôi được chứng nhận 4 sao, Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) với sản phẩm mật ong rừng nhờ chú trọng cải tiến quy trình, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ vào quá trình sản xuất. Tháng 1/2023, HTX đã dành được sự hỗ trợ từ Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ. Với nguồn đối ứng 30%, HTX đã trang bị được máy hạ thủy phân mật ong. Lượng nước trong mật ong sau khi được xử lý qua máy trở về dưới 18%. Đây là tỉ lệ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất như châu Âu.
Hiện nay, mỗi năm, sản lượng mật ong của HTX đạt trên 60 nghìn lít, đem lại nguồn thu trên 12 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 25 hộ khó khăn trên địa bàn. Cùng với nâng cao chất lượng mật, HTX mở rộng hướng đi, phát triển các sản phẩm làm từ mật như nến sáp ong, rượu, xà phòng… Từ đó, hiện thực khát vọng vươn ra các nước trong khu vực và quốc tế.
Hiện nay, nhiều chủ thể OCOP đã mạnh dạn “rót vốn” nâng tầm sản phẩm OCOP, tiêu biểu như Công ty CP nước khoáng thương hiệu Kim Bôi; Công ty CP Kim Bôi; HTX liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch… góp phần đưa sản phẩm của doanh nghiệp, HTX có mặt tại nhiều siêu thị trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, trung tuần tháng 9, Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc, với quy mô 250 gian hàng sẽ được tổ chức tại Hòa Bình. Đây là dịp để Hòa Bình giới thiệu với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực những thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí cho nhân dân và du khách. Giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, sản phẩm nông sản địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua, ngành Công Thương, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nhất là chủ thể OCOP tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, tính đến hết 6 tháng đầu năm, chỉ có 79 sản phẩm của 33 cơ sở lên sàn hợp nhất www.sanviet.vn; 67 cơ sở với 137 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử tỉnh.
Câu chuyện “đi xa cùng nhau” cần có sự nỗ lực, chủ động, chiều sâu từ cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ngành hữu quan và đặc biệt là từ chính chủ thể sản phẩm OCOP.
Minh Vũ
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn