Sản phẩm OCOP của Hậu Giang nhận được nhiều sự quan tâm khi đưa đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm
Thế mạnh sẵn có
Sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường. Để nâng tầm giá trị của sản phẩm OCOP, việc kết nối với doanh nghiệp du lịch là điều cần thiết. Bằng cách này, sản phẩm OCOP có thể tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa địa phương. Việc kết nối sản phẩm OCOP vào du lịch là một chiến lược quan trọng để phát huy tiềm năng của cả hai ngành, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh một cách bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Hậu Giang có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển về sản phẩm OCOP và du lịch, với 175 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 68 sản phẩm 4 sao (chiếm 38,8%); 107 sản phẩm 3 sao (chiếm 61,1%) và nhiều điểm du lịch thu hút đa dạng, hấp dẫn như Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, các điểm du lịch văn hóa tâm linh… Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng vô cùng phong phú từ các loại nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, đặc sản đến hàng thủ công mỹ nghệ, có chất lượng cao và mang nét đặc trưng vùng. Đây là động lực để Hậu Giang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, nâng cao nhận thức và năng lực của người dân, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát huy cơ hội và tiềm năng của tỉnh về sản phẩm OCOP và du lịch.
Đồng thời, là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng, từ cây trồng, hoa quả, đến thủy sản và gia súc. Do đó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm OCOP chất lượng cao và độc đáo, như mật ong tràm, sữa dê, mắm cá đồng, khô lươn một nắng, gạo hữu cơ… Song song đó, Hậu Giang cũng có thể kết hợp các sản phẩm OCOP này với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử của tỉnh để tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Bà Dương Thị Nhỏ, chủ Khu du lịch Homestay Mương Đình, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động và dịch vụ du lịch kèm theo, như: chạy xe đạp tham quan trải nghiệm vườn trái cây, chèo xuồng, câu cá… Bên cạnh đó, chúng tôi đã kết hợp lưu trú tại chỗ, phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh nông thôn, tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân địa phương, thưởng thức các đặc sản miền quê…”.
Chính vì để tạo thêm tiếng vang và giúp du khách có thêm phần quà kỷ niệm khi trở về nhà, đồng thời quảng bá nông sản địa phương, chủ cơ sở đã quyết định chọn sản phẩm tiềm năng là dâu xiêm xây dựng sản phẩm OCOP. Đây là loại cây được gia đình và nhiều nông dân địa phương canh tác nhiều năm nay. Loại trái cây này vừa có chất lượng trái ngon và sản lượng lớn. Được biết, loại dâu xiêm này có giá cả ổn định, trung bình từ 30.000-50.000 đồng/kg, nếu xử lý cho trái nghịch vụ thì hiệu quả kinh tế cao hơn.
Định hướng tương lai
Một trong những mô hình thành công nổi bật của việc kết hợp sản phẩm OCOP với du lịch có thể kể đến như trang trại sữa dê Ngọc Đào, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Nơi đây đã trở thành điểm khám phá và trải nghiệm cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Trang trại sữa dê có hơn 200 con, trong đó có hơn 100 con lấy sữa, diện tích khoảng 1,8ha. Anh Nguyễn Văn Đua, chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào, cho biết: “Ban đầu nuôi dê để sử dụng trong gia đình, nhưng nhận thấy tiềm năng phát triển nên tôi đã đầu tư nuôi nhiều và thành lập trang trại, mở rộng hoạt động làm du lịch. Trang trại cơ giới hóa các khâu, vắt sữa dê được thực hiện bằng máy”. Hiện tại vào mỗi tuần, trang trại tiếp đón cả trăm du khách, với nhiều học sinh. Du khách đến đây được trải nghiệm cắt cỏ, cho dê ăn, tắm cho dê, xem quy trình vắt sữa dê, mua sản phẩm từ sữa dê. Trang trại hiện sản xuất 4 loại sản phẩm: yaourt sữa dê, sữa dê sấy khô, sữa dê thanh trùng, phô mai sữa dê đều được công nhận OCOP và đạt chuẩn 4 sao, với giá bán khá hợp lý.
Năm nay, xã Tân Hòa đang thực hiện mô hình “Hỗ trợ Phát triển kinh tế gắn kết du lịch cộng đồng”, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hòa Kim Phụng chia sẻ: “Chúng tôi phát huy hiệu quả công tác dân vận để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện. Các hộ gia đình tham gia mô hình sẽ hỗ trợ nhau về kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…, từ đó tạo điều kiện cho từng hộ có công ăn, việc làm sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi vận dụng nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cũng như về quy mô để xây dựng điểm du lịch… Hy vọng thời gian tới có thể tạo được sự gắn kết giữa các mô hình nông nghiệp và các điểm du lịch. Qua đó, quảng bá hình ảnh Tân Hòa đến với du khách gần xa…”.
Sự thành công kết nối sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng sẽ có nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua. Đối với người bán, họ sẽ có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và uy tín thương hiệu. Đối với người mua, họ sẽ có cơ hội tìm hiểu văn hóa, lịch sử và đặc điểm của từng sản phẩm OCOP, cũng như giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ người dân địa phương. Chính vì thế, các sở, ngành cũng rất quan tâm, chú trọng đầu tư để phát triển kinh tế cộng đồng. Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết, Sở công thương đã xây dựng cẩm nang để giới thiệu sản phẩm OCOP đến với khách hàng, làm cầu nối cho doanh nghiệp và các đơn vị chủ thể, đồng thời tổ chức thêm các buổi kết nối các đơn vị để đạt hiệu quả cao hơn, phát triển các đề án, hỗ trợ các điểm du lịch…
Bài, ảnh: Mai Thanh
Báo Hậu Giang online – baohaugiang.com.vn