Năm 2024, Cơ sở bánh kẹo Tân Bạch Nguyệt, ở xã Long Thạnh, tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm kẹo đậu phộng. Ảnh: D. Khánh
Gắn bó với nghề làm bánh kẹo gần 25 năm, mỗi tháng Cơ sở Tân Bạch Nguyệt của chị Từ Thị Nguyên Mai, ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cung ứng cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long 10.000-15.000 cái bánh pía và nhiều loại kẹo. Với mong muốn đưa sản phẩm của gia đình đi xa hơn, năm rồi chị Mai đã quyết định tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm bánh pía của gia đình. Theo chị Mai, từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm bánh pía của gia đình được người tiêu dùng đón nhận tích cực hơn. Sản lượng tiêu thụ tăng hơn 20% so với trước đây. Đặc biệt từ khi được gắn mác sản phẩm OCOP, cơ sở cũng tự tin hơn trong việc tiếp thị mở rộng thị trường đi các tỉnh.
Chị Mai cho biết thêm: “Trước đây, sản phẩm chưa được công nhận OCOP nhiều người tiêu dùng còn lăng tăng chuyện về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng từ khi được công nhận với đầy đủ các giấy tờ kiểm định thì người tiêu dùng an tâm hơn về sản phẩm của cơ sở, phản hồi từ các đại lý về là rất tốt”.
Bên cạnh phát triển mới sản phẩm, huyện Phụng Hiệp còn phối hợp với các sở, ngành tỉnh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì, mẫu mã, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, ứng dụng các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Shopee, Lazada… để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Như HTX thát lát Kỳ Như, đơn vị sở hữu nhiều sản phẩm OCOP từ cá thát của tỉnh Hậu Giang với 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Mỗi năm HTX thu mua và chế biến hơn 500 tấn cá nguyên liệu. Để có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, ngoài 3ha tự có, HTX còn mạnh dạn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị trên diện tích 12ha. Đặc biệt từ năm 2023 đến nay, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực các ngành chuyên môn của tỉnh trong việc mở rộng diện tích nuôi cá thát lát theo hướng VietGAP từ 2ha lên 3ha để sản xuất sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Đây là ngành hàng chủ lực được HTX xây dựng để tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX thát lát Kỳ Như, cho biết: Sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định để xuất khẩu. Do đó, thời gian qua, bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng cung ứng cho thị trường thì HTX cũng quan tâm việc đổi mới công nghệ, mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với lợi thế về thổ nhưỡng và sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, cùng với trợ lực từ các chương trình, dự án, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chiếm 15% tổng sản phẩm OCOP của toàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP của huyện thuộc 16 chủ thể ở 15 xã, thị trấn trong huyện. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều được đưa đi xúc tiến thương mại nên sản lượng bán ra tăng 50-60% trước khi được công nhận.
Mục tiêu trong năm 2024, huyện Phụng Hiệp xây dựng ít nhất 5-7 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và dự trù 7 sản phẩm vào cuối năm. Các sản phẩm được tập trung xây dựng trong năm nay được chia làm hai nhóm. Nhóm thực phẩm, gồm: Trà mãng cầu Hưng Thịnh, nước mắm đồng Thiên Lộc, mắm cá đồng Thiên Lộc, lạp xưởng Vinh Lộc, kẹo đậu phộng Tân Bạch Nguyệt. Nhóm sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền Út (nóng), dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền Út (lạnh). Hiện các chủ thể đã được ngành chuyên môn của huyện Phụng Hiệp hỗ trợ các thủ tục như: Tư vấn hoàn thiện phiếu đăng ký sản phẩm, phương án, kế hoạch kinh doanh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra và các hóa đơn chứng từ kèm theo. Hướng dẫn triển khai và xác nhận bảo vệ môi trường của cơ sở; viết câu chuyện sản phẩm và một số thủ tục khác có liên quan cho đến khi hoàn thành hồ sơ để báo cáo Hội đồng phân hạng cấp huyện, tỉnh.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Với mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh của địa phương, thời gian qua huyện đã tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng các khâu từ sản xuất tới thành phẩm và phải đặt chất lượng lên hàng đầu để mỗi sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng của huyện Phụng Hiệp tới các tỉnh, du khách thập phương. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt sao OCOP. Qua đó, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động để có những giải pháp phát triển sản phẩm và hỗ trợ chủ thể phù hợp.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hậu Giang năm 2024 của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thì về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. Trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Đến nay, tỉnh có 266 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 92 sản phẩm 4 sao (chiếm 34,59%), có 174 sản phẩm 3 sao (chiếm 65,41%), với 125 chủ thể tham gia, trong đó 18 công ty chiếm 14,40%; 36 hợp tác xã chiếm 28,80%; 71 cơ sở, hộ kinh doanh chiếm 56,80%. |
T. Trúc – D. Khánh
Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn