Nhiều chủ thể chưa “mặn mà” làm thủ tục
Trong đợt trao giấy chứng nhận xếp hạng sản phẩm OCOP đầu tháng 5/2024, số sản phẩm được cấp lại chứng nhận là 15. Theo rà soát của Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn thành phố hiện có 45 sản phẩm cần cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, số sản phẩm đăng ký xếp hạng lại mới đạt gần 50%.
Công ty CP Thương mại thực phẩm Trường Xanh là một trong những doanh nghiệp được xếp hạng sản phẩm OCOP đợt đầu của thành phố năm 2019 với 5 sản phẩm được công nhận 3 sao gồm: Mật ong hoa rừng Cát Bà, rượu vang Hibiwine, nước cốt Hibisy, nước giải khát Hibigreen, trà Hibinatu…, phần lớn được chế biến từ nguyên liệu hồng hoa. Đến nay các sản phẩm đều đến hạn phải xếp hạng lại. Giám đốc Công ty Phạm Văn Tuyên cho biết, nguyên liệu hồng hoa trồng và thu mua được để chế biến sản phẩm ngày càng khan hiếm khiến sản lượng sản xuất của công ty giảm 50%. Cùng với đó, khi đăng ký lại sản phẩm OCOP, doanh nghiệp phải tốn kém chi phí kiểm định chất lượng để đánh giá sản phẩm, hoàn thiện thủ tục nên tạm thời chưa có điều kiện để tham gia.
Không chỉ Công ty Trường Xanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được xếp hạng sản phẩm OCOP từ đợt đầu các năm 2019, 2020 như: Công ty TNHH Sovi với sản phẩm cá kho làng chài xếp hạng 4 sao, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Gia đình với sản phẩm rươi và chả rươi gia đình, HTX nông nghiệp, thủy sản Bàng La với sản phẩm táo Bàng La, hộ kinh doanh chế biến thủy hải sản Bình Phương với sản phẩm sứa chế biến xếp hạng 3 sao… cũng chưa đăng ký lại sản phẩm OCOP.
Theo ông Giang Hồng Tuyến, cán bộ Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các cơ sở đăng ký lại sản phẩm OCOP, nhưng khá nhiều cơ sở chưa mặn mà đăng ký lại do có tâm lý cho rằng sản phẩm đã đăng ký OCOP quen thuộc với thị trường và người tiêu dùng, mặt khác thủ tục và quy trình đánh giá lại sản phẩm OCOP mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Một số sản phẩm OCOP do HTX, tổ chức tập thể đứng ra đăng ký làm OCOP đợt đầu, nhưng khi đăng ký lại không có nhân lực sâu sát để hoàn thiện các bước thủ tục…
Mục tiêu năm 2024, Hải Phòng phát triển sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng 70 sản phẩm; đánh giá lại 33 sản phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá và cấp giấy chứng nhận 14 sản phẩm OCOP 3 sao, hiện đang đánh giá tiếp 21 sản phẩm khác. Thành phố trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho 30 sản phẩm.
Tuyên truyền, hỗ trợ để cơ sở tham gia
Trưởng Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tăng Xuân Thọ khẳng định, ngành chức năng luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP. Việc xếp hạng không có giá trị vĩnh viễn mà chỉ có giá trị trong thời hạn 3 năm, sau đó các chủ thể phải tham gia đánh giá, xếp hạng lại. Để cơ sở sản xuất tham gia đánh giá xếp hạng OCOP mới hoặc xếp hạng lại, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương liên quan. Theo hướng này, thời gian qua, Phòng Phát triển nông thôn rà soát các trường hợp sản phẩm OCOP đến lượt xếp hạng lại, cử cán bộ phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia xếp hạng lại sản phẩm OCOP; tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, mục tiêu của việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ thể OCOP cùng nghiên cứu để có các định hướng, cách làm hay, sáng tạo mang dấu ấn đặc trưng cho các sản phẩm OCOP Hải Phòng. Trong đó quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ thể OCOP thuận lợi khi tham gia đánh giá lại để duy trì thương hiệu sản phẩm lâu dài; đồng thời để xuất thành phố tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình.