Hải Phòng: Khơi dậy tiềm năng du lịch nông thôn

Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông tăng tính kết nối, mở thêm các điểm chờ xe bus, thành lập Chi hội Du lịch nông nghiệp - nông thôn (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Hải Phòng), xây dựng cơ chế thông thoáng về đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp... là những bước tiến quan trọng của ngành Du lịch Hải Phòng trong năm 2024 nhằm phát triển loại hình du lịch nông thôn tương xứng tiềm năng, lợi thế có sẵn, trở thành một trong những sản phẩm bổ trợ quan trọng nhằm phát triển bền vững.


Du khách khám phá, trải nghiệm du lịch nông thôn tại đảo Bầu (huyện An Lão).

Định hướng rõ nét

Theo Đề án tổng thể phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2050 được UBND thành phố ban hành tháng 7/2024 xác định, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ cho 3 sản phẩm du lịch chủ yếu của Hải Phòng. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng phát triển loại hình du lịch nông thôn gắn với các mô hình phát triển nông nghiệp nổi bật ở các huyện, ưu tiên nông nghiệp sạch và các làng nghề truyền thống. Theo đó, không gian phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được thành phố định hướng rõ nét tới từng huyện.

Tại huyện Kiến Thụy sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch cộng đồng gắn với không gian du lịch sinh thái sông Văn Úc. Đồng thời, phát huy giá trị di tích Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, chú trọng xây dựng điểm dừng chân du lịch cung cấp các dịch vụ và kết hợp các hoạt động thương mại gắn với sản phẩm OCOP của địa phương. Huyện An Lão sẽ tiếp tục phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, điển hình là khu vực đảo Bầu; kết hợp khai thác vui chơi giải trí, cắm trại và trải nghiệm leo núi tại núi Voi. Huyện Vĩnh Bảo xây dựng các hoạt động trải nghiệm du lịch gắn với danh nhân lịch sử Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (các cuộc thi trạng nguyên cho học sinh gắn với sinh hoạt của các trường học; trải nghiệm lớp học thời kỳ trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm với các tài liệu học tập độc đáo, các bộ môn học tập thời phong kiến)… Thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030, thành phố có kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư hơn 100 tỷ đồng để thúc đẩy loại hình du lịch nông thôn, đồng thời, xem xét huy động các nguồn thu hợp pháp và vốn xã hội hóa khoảng 72 tỷ đồng đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Đây là những nguồn lực mới, cần thiết trong bối cảnh tiềm năng du lịch nông nghiệp của Hải Phòng chưa được khai thác hiệu quả. Trong thời gian qua, thành phố thí điểm một số sản phẩm du lịch nông nghiệp như hoạt động trải nghiệm “1 ngày làm nông dân huyện Kiến Thụy”, tour du khảo đồng quê tại các huyện: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo… Tuy nhiên, hiệu quả thu hút du khách của các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa cao, chưa đóng góp vai trò quan trọng đối với du lịch thành phố. Bên cạnh đó, các giá trị nông nghiệp có tiềm năng phục vụ khách du lịch chưa được khai thác, bao gồm hệ thống sản phẩm OCOP cũng như các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh, mây tre đan, hoạt động kinh tế đặc thù vùng ngập mặn cửa sông…

Nâng cao khả năng kết nối

Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, 137 xã nông thôn mới của 7 huyện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 21 điểm du lịch nông thôn đang khai thác và có tiềm năng phát triển. Trong đó, chủ yếu là khu nông nghiệp sinh thái, làng nghề truyền thống, rừng ngập mặn, đầm sen, làng hoa cây cảnh… Tuy nhiên, chỉ một số điểm đang khai thác được lượng khách du lịch tương đối đều đặn như khu du lịch nông nghiệp, nông thôn đảo Bầu (huyện An Lão), 6 điểm khai thác du lịch cộng đồng sinh thái tại 6 xã trên đảo Cát Bà (huyện Cát Hải). Phần lớn khách hàng của loại hình này là các nhóm gia đình, trường học…

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng, để khai thác tốt các điểm du lịch nông thôn, thành phố có kế hoạch ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối tới các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch. Hiện nay, Sở đang phối hợp các ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố phương án bổ sung các điểm chờ xe bus tại các điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn được công nhận tại các huyện: An Lão, Cát Hải… Đồng thời, lựa chọn các xã nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ khai thác các điểm du lịch nông thôn như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn… phục vụ du khách. Thời gian tới, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND các huyện lập quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố thí điểm chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực nông thôn phục vụ phát triển du lịch. Sở Du lịch tích cực phối hợp Hiệp hội Du lịch Hải Phòng và Hội Nông dân thành phố tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho các chủ trang trại, gia trại, homestay, farmstay nhằm đáp ứng kỹ năng tối giản trong phục vụ khách du lịch… nhằm khắc phục điểm yếu về nhân lực phục vụ trong loại hình du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, dự kiến trong quý 4-2024, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phối hợp thành lập Chi hội Du lịch nông nghiệp – nông thôn, Chi hội Sản vật (đặc sản) du lịch Hải Phòng nhằm đẩy mạnh khai thác du lịch gắn với nông thôn mới và du lịch tâm linh. Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng ký kết hợp tác với Hội Làm vườn Hải Phòng về việc hợp tác cung ứng và bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả, thực phẩm sạch và thủy – hải sản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Bài và ảnh: Nguyễn Dương
Báo Hải Phòng – baohaiphong.vn