Hải Dương giữ tinh hoa làng nghề bằng sản phẩm OCOP

Chuyển đổi từ sản phẩm thủ công làng nghề sang các sản phẩm OCOP là hướng đi mới phù hợp với xu hướng, góp phần đưa sản phẩm của Hải Dương vươn xa hơn trên thị trường.
Sản phẩm hương trầm ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đạt chứng nhận OCOP giúp tăng sản lượng tiêu thụ. Ảnh: Thành Chung

Từ sản phẩm thủ công sang sản phẩm OCOP

Nghề làm hương ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã có tuổi đời hàng trăm năm. Cả 3 thôn của xã gồm An Xá, Ðông Thôn và Trực Trì đều đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề làm hương đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn, đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của xã. Hiện toàn xã có 48 hộ làm hương với khoảng 1.200 lao động, trong đó gần 50% số người ngoài độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Bá Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết nghề làm hương đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân và cũng làm thay đổi diện mạo làng xã. Nắm bắt được nhu cầu thị trường về loại hương truyền thống ngày càng lớn, nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất số lượng lớn, đồng thời lưu giữ những bí quyết gia truyền. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập, một số hộ đã nắm bắt cơ hội chuyển từ sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống sang sản phẩm OCOP, giúp hương thơm Quốc Tuấn vươn xa hơn trên thị trường.

Giống như Quốc Tuấn, làng giày da Hoàng Diệu (Gia Lộc) có tới 500 năm tuổi nghề. Năm 2004 và 2005, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống cho cả 4 làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy. Từ đây đã tạo động lực cho những người làm nghề chuyên tâm sản xuất và gìn giữ nghề truyền thống. Đến nay, làng nghề có hàng trăm hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia sản xuất giày da, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Ông Nguyễn Viết Võ, Tổng thư ký Hội Da giày Hải Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ da giày Hải Dương cho biết: “Xã Hoàng Diệu là hợp tác xã duy nhất trong cả nước có sản phẩm giày da được công nhận là sản phẩm OCOP. Từ sản phẩm thủ công bình thường, sản phẩm đã được nâng cấp thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Hiện các sản phẩm của làng nghề đang được trưng bày, giới thiệu tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc thu hút rất nhiều du khách tới tham quan”.

Hải Dương hiện có 66 làng nghề, trong đó 12 làng nghề có nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP như giày da Hoàng Diệu (Gia Lộc); mộc Đông Giao ở xã Lương Điền, rượu Phú Lộc ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), hương thơm Quốc Tuấn (Nam Sách); vàng bạc Châu Khê ở xã Thúc Kháng, gốm Cậy ở xã Long Xuyên (Bình Giang); bánh đa Hội Yên ở xã Chi Lăng Nam, bánh đa Tào Khê ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện); thêu ren Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ); bánh đa Lộ Cương ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương); chổi chít Mật Sơn ở phường Chí Minh (TP Chí Linh); làng nghề Mạn Đê ở xã Nam Trung (Nam Sách). Các làng nghề không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đặc sắc ở mỗi địa phương.

Bảo tồn gắn với xây dựng

Không chỉ tạo thu nhập cho người dân, các làng nghề còn giúp gìn giữ giá trị văn hóa lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ảnh: Thành Chung

Anh Lê Công Hùng, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đức Hùng ở xã Quốc Tuấn là thế hệ thứ hai kế thừa nghề truyền thống của gia đình. Cơ sở của anh hiện có 4 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Các sản phẩm này được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị lớn. Sản phẩm chất lượng được nhiều người biết đến nên sản lượng tiêu thụ tăng 40% so với trước. “Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm của làng nghề sẽ được quảng bá sâu rộng về thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó, các hộ cùng chung tay bảo tồn không gian làng nghề, truyền thống văn hóa gắn kết với du lịch nông thôn”, anh Hùng nói.

Làng nghề thủ công vàng bạc Châu Khê ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) nổi tiếng cả nước với sản phẩm trang sức bằng vàng, bạc với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phong phú. Làng nghề được hình thành cách đây hơn 500 năm, từ thời Lê sơ. Lịch sử của làng còn ghi lại, Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín-một con người của làng được vua giao phụ trách việc đúc bạc nén lưu hành tiền tệ trong nước. Người làng trao truyền bí quyết làm nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển đến ngày nay. Và để bảo tồn, phát triển làng nghề, nhất là cạnh tranh với sản phẩm ở nơi khác thì mỗi sản phẩm kim hoàn Châu Khê phải có chất độc đáo riêng. Bí quyết đó là mỗi sản phẩm thường có nét tinh xảo mà chỉ có thể chế tác thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo cộng với óc sáng tạo tuyệt vời của mỗi nghệ nhân trong làng.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, người thợ trong làng thường xuyên phải tìm tòi, sáng tạo cho ra những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Một trong những sản phẩm khó mà phải người thợ có tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được là nhẫn đầu rồng, dây chuyền bạc hình chữ S và hoa văn hình trái tim của ông Phạm Đình Binh. Đây là sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo thêm luồng sinh khí cho các làng nghề ở Hải Dương. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trần Hiền
Báo Hải Dương – baohaiduong.vn