Hà Nội: Triển lãm gốm thủ công truyền thống Bát Tràng và gốm Đông Hòa

Chiều 18/11, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (số 28 phố Hàng Buồm), đã diễn ra triển lãm giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện hai dòng gốm của Việt Nam.

 

Triển lãm gốm thủ công truyền thống Bát Tràng và gốm Đông Hòa- Ảnh 1.

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: VGP/ Minh Anh

Chào mừng kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2023), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân gốm Nguyễn Trường Sơn làng nghề gốm Bát Tràng, Hà Nội và nghệ nhân làng gốm Trường Thịnh, phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) tổ chức triển lãm với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá văn hoá địa phương.

Nghề gốm truyền thống đã có lịch sử hình thành lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời gian, các sản phẩm gốm Việt luôn có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ của tác giả.

Triển lãm gốm thủ công truyền thống Bát Tràng và gốm Đông Hòa- Ảnh 2.

Nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn biểu diễn công đoạn làm gốm của mình. Ảnh: Thanh Tùng

Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Bát Tràng, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn không chỉ tiếp nối dòng chảy truyền thống của quê hương mà còn là người tiên phong trong dòng gốm “Be chạch”. Gốm “Be chạch” là phương pháp làm gốm lưu lại dấu tay của người thợ làm gốm trên sản phẩm, tạo nên bề mặt lồi lõm tự nhiên và vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm.

Triển lãm gốm thủ công truyền thống Bát Tràng và gốm Đông Hòa- Ảnh 3.

Nghệ nhân Trần Thị Chiên trình diễn quá trình làm gốm Trường Thịnh. Ảnh: Thanh Tùng

Là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, nghề làm gốm Trường Thịnh, phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng với nhiệt huyết của các nghệ nhân, làng nghề hiện vẫn được duy trì và hướng đến sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo phục vụ người tiêu dùng.

Phương thức chế tạo gốm Trường Thịnh chủ yếu là dùng bàn xoay để định hình sản phẩm, dùng vòng tre để chỉnh độ dày mỏng ở thân gốm, sau khi phơi khô thì đưa vào lò nung. 

Triển lãm gốm thủ công truyền thống diễn ra từ ngày 18/11 đến hết ngày 18/12/2023, tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Minh Anh

Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn