Hà Nội: Có 153 Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP

Ngày 16/10, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khoa học và Tư vấn phát triển OCOP (Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tổ chức Hội thảo về Giải pháp nâng cao hiệu quả Hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có 153 Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP - Ảnh 1.

ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/TT.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội, các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, các đơn vị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và các Hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm tham gia OCOP.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 22% số sản phẩm của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt có 153 Hợp tác xã (trong đó có 132 hợp tác xã nông nghiệp) tham gia OCOP, với  448 sản phẩm được công nhận.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh rất nhiều lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP, các Hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế như về năng lực trình độ lãnh đạo quản lý của Hợp tác xã còn thấp, chủ yếu điều hành bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản. Đặc biệt, với các Hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Ngoài ra là các vấn đề về vốn của các Hợp tác xã nông nghiệp cũng còn hạn chế. Đa số các Hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55 và nghị định số 116 của Chính phủ. Trên địa bàn Thành phố, các Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi… còn ít; sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến…

Chính những khó khăn này đã tác động không nhỏ tới việc phát triển sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bao bì nhãn mác sản phẩm; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh không cao; việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn…

Theo đó các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ Hợp tác xã. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường đề nghị Thành phố báo cáo Quốc hội sớm ban hành Luật đất đai sửa đổi; Luật Thủ đô để tháo gỡ khó khăn cơ chế đất đai cho Hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.  Ngoài ra, các Hợp tác xã cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cả trong sản xuất chế biến và thương mại để mang lại hiệu quả cao hơn.

 

Thiện Tâm

Cổng TTĐT Chính phủ/ Tràng Thủ đô Hà Nội – https://thanglong.chinhphu.vn/