Năm ngoái, tại Tuần lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP; đặc sản, nông sản an toàn được tổ chức tại rạp chiếu bóng Biên Hòa – thuộc không gian phố đi bộ thành phố Phủ Lý, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nam và các tỉnh khu vực phía Bắc được trưng bày. Trong số này có bánh đa Kiện Khê, một đặc sản nổi tiếng của Thanh Liêm bấy lâu nay. Sản phẩm này đã và đang được bày bán ở rất nhiều khu, điểm du lịch và các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình. Cho dù mẫu mã vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nhưng bánh đa Kiện Khê luôn được nhiều người khen ngợi về chất lượng. Làm bánh trở thành công việc thường ngày của nhiều hộ dân ở Kiện Khê từ lâu, câu chuyện làm ra tấm bánh cũng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa làng sâu sắc. Bởi, làm bánh không chỉ là một nghề được người dân lựa chọn làm sinh kế mà còn thể hiện tinh thần bền bỉ, khéo léo, chịu thương chịu khó của con người trước mọi sự đổi thay của cuộc sống.
Những sản phẩm thủ công truyền thống được tạo ra từ hạt lúa, củ khoai của người dân quê chiêm trũng Hà Nam khác như: Bánh đa nem làng Chều, bánh quế Tiêu Động, cơm cháy xã Ngọc Lũ, gạo Bắc thơm Bình Mỹ, huyện Bình Lục… đã đi vào đời sống, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi làng nghề. Khi tham gia chương trình, các sản phẩm được đánh giá, giám sát, nâng cao chất lượng, kết nối, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ tốt hơn. Đặc biệt trong những năm qua, nhờ sự phát triển của du lịch và công nghệ nên các sản phẩm OCOP của Hà Nam thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế ngày một sâu rộng. Câu chuyện cá kho Nhân Hậu vào Nam, ra nước ngoài bây giờ không còn là mơ ước nữa.
Ông chủ cơ sở sản xuất cá kho Phong Thực vừa là Chủ tịch Hiệp hội cá kho Nhân Hậu, vừa là chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao cá kho Phong Thực cho biết, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 nồi cá kho, giá trung bình mỗi nồi 750.000 đồng. Tương truyền, đây là một trong những đặc sản tiến vua của Hòa Hậu trước đây. Bây giờ, nó là món ăn dân dã, nhưng khá nổi tiếng vì bí quyết tạo ra sản phẩm và hương vị món ngon quê nhà không giống với những miền quê khác. Sự khác biệt này làm nó trở nên hấp dẫn, độc đáo trong lòng thực khách, để rồi, từ một món ăn dân dã trở thành thứ quà biếu, quà tặng trang trọng, quý hóa với biết bao người thành phố.
Một thực khách từ Hà Nội về tận cơ sở cá kho Phong Thực mua sản phẩm và trải nghiệm thực tế nói: Cá kho Nhân Hậu nói là món dân dã nhưng chủ yếu dành cho những người sành ăn, có tiền mới mua được. Bởi vì, chả người nông dân nào bỏ tiền ra mua nồi cá gần một triệu đồng về ăn cơm bữa! Nhưng đây là giá trị của sản phẩm, nó được cộng hưởng từ giá trị kinh tế và văn hóa. Nếu không có câu chuyện tiến vua, câu chuyện về sự hòa quyện ẩm thực 3 miền trong nồi cá kho nhỏ nhắn ấy thì khách khó có thể rung động bỏ tiền mua về làm quà, mong muốn nó là thứ quà có ý nghĩa chân thành nhất.
Ông Trần Xuân Thực, chủ cơ sở cá kho Phong Thực đã chia sẻ với các vị khách về tham quan cơ sở và mua hàng: Vì sao nói niêu cá này lại hòa quyện ẩm thực 3 miền?. Thứ nhất, nồi cá là sản phẩm gốm Nghệ An, Thanh Hóa; thứ hai, nước mắm dùng để kho cá phải là loại nước mắm Nha Trang; thứ 3, cá trắm đen phải là loại được nuôi ở vùng quê chiêm trũng Bình Lục, ăn ốc và sống trong môi trường tự nhiên bảo đảm sạch sẽ, hoặc là cá của vùng Hải Phòng chắc thịt, không béo. Những gia vị như gừng, riềng, chanh, sả… được mua chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ với những chi tiết ấy, người mua cũng cảm thấy mình đang được ăn món ngon quê nhà. Nhiều cảm giác được khơi gợi từ món ăn này để rồi câu chuyện về sản phẩm trở thành câu chuyện văn hóa, lịch sử đậm tính nhân văn, truyền thống vùng miền.
Nếu sản phẩm chỉ đạt mục đích để thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao cho các địa phương mà không nghĩ việc biến nó thành sản phẩm du lịch thì chắc chắn các sản phẩm OCOP của chúng ta tồn tại và phát triển không bền vững!
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mới đây đến thăm làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, ông Trưởng thôn Phạm Trung Định cho biết, làng nghề dệt có từ lâu, bây giờ trở thành nghề chính của người dân trong thôn. Sản phẩm lụa Nha Xá giờ đây nổi tiếng xa gần, có mặt ở nhiều thị trường lớn. Làng nghề ngoài sản xuất còn là nơi tham quan, trải nghiệm của khách du lịch gần xa. Sản phẩm của Hợp tác xã Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến là một trong 42 sản phẩm OCOP của thị xã Duy Tiên có chất lượng tốt. Điều đáng nói nhất hiện nay khi sản phẩm dệt của làng nghề sản xuất đến đâu, hết đến đó, thậm chí có thời điểm còn “cháy hàng” là nhờ tác động của du lịch và chuyển đổi số. Chúng tôi bán hàng online, tham gia sàn giao dịch điện tử, bán trực tiếp cho khách hàng… Qua những gì thu thập được từ thực tế, lụa Nha Xá được ưa chuộng bởi ẩn chứa trong nó là cả câu chuyện văn hóa luôn hấp dẫn khách hàng. Đó là việc truyền nghề, kỹ năng làm nghề của người thợ. Đó là sự vượt qua khó khăn của người dân lao động sau bao biến cố của lịch sử và thời gian, từ đó hình thành ý thức trọng nghề, tình cảm yêu nghề, tôn trọng tổ nghề và luôn bảo vệ, duy trì quy tắc nghề nghiệp riêng của làng…
Cho đến nay, toàn tỉnh có 122 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 105 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Thị xã Duy Tiên là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, gồm 14 sản phẩm hạng 4 sao, 30 sản phẩm hạng 3 sao. Tiếp đó là thành phố Phủ Lý (27 sản phẩm), Bình Lục (15 sản phẩm), Thanh Liêm (14 sản phẩm), Kim Bảng (8 sản phẩm). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, toàn tỉnh có 05 huyện, thành phố đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng số 43 ý tưởng sản phẩm và đang tiến hành rà soát sản phẩm đủ điều kiện trình UBND tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP năm 2024. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng từ 15% đến 20%, doanh thu tăng 10%).
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Nếu sản phẩm chỉ đạt mục đích để thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao cho các địa phương mà không nghĩ việc biến nó thành sản phẩm du lịch thì chắc chắn các sản phẩm OCOP của chúng ta tồn tại và phát triển không bền vững!”. Muốn tham gia vào thị trường du lịch hoặc lớn hơn thế, các sản phẩm OCOP của Hà Nam phải phản ánh được tính đặc sắc của các vùng quê, vai trò của các chủ thể rất quan trọng. Ở khía cạnh khác, chương trình OCOP sẽ trở thành kênh truyền thông cho văn hóa địa phương không chỉ tác động đến người tiêu dùng, tới khách du lịch mà còn tới chính chủ thể qua mỗi sản phẩm.
Giang Nam
Báo Hà Nam- baohanam.com.vn