Thành lập từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Mật ong rừng Phú Thái, thị trấn Yên Minh được biết đến là cơ sở tiêu biểu trong liên kết sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật ong. Với sản lượng mật thu về mỗi năm trên 7.400 lít, ngoài ứng dụng công nghệ hạ thủy phân nâng cao chất lượng mật, HTX đang tập trung nguồn lực để xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với mục tiêu phát triển thương hiệu bền vững, mở rộng tiêu thụ và tiếp cận tới thị trường nước ngoài. Anh Nguyễn Đình Phú, Giám đốc HTX cho biết: Nhận thấy ý nghĩa của việc tham gia chương trình OCOP, được sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, HTX đang tích cực chuẩn bị các điều kiện đánh giá cho 3 sản phẩm đăng ký gồm: Mật ong Bạc hà, Rượu Cao nguyên đá trưng cất từ mật ong rừng. Để đảm bảo các yêu cầu của Hội đồng đánh giá, phân hạng, HTX đang đầu tư thêm máy móc hiện đại vào chế biến, đổi mới bao bì, xây dựng mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và tăng tính độc đáo cho sản phẩm.
Hợp tác xã Mật ong rừng Phú Thái cải tiến bao bì sản phẩm chuẩn bị đăng ký OCOP 3 sao năm 2024 |
Huyện Yên Minh hiện có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, thuộc 4 ngành hàng gồm: Nhóm thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; thực phẩm thô, sơ chế và chè. Tập trung triển khai Chương trình OCOP với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy hiệu quả nguồn lực của địa phương, huyện tích cực hỗ trợ người dân, chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ các loại cây, con thế mạnh gắn với phục vụ du lịch. Các phòng, ban liên quan tích cực tuyên truyền về chương trình, xây dựng kế hoạch rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia. Đối với các sản phẩm mới, thực hiện chặt chẽ công tác kiểm tra thực tế điểm kinh doanh, cơ sở, nhà xưởng, máy móc; hỗ trợ chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ đánh giá, phân hạng.
Đồng chí Giang Lộc Thăng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Tích cực phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, ngành đã tham mưu, phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ các sản phẩm đã được công nhận; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận nếu chủ thể không sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn, không có tiềm năng phát triển. Đồng thời, hỗ trợ tối đa các chủ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Phòng cũng tăng cường tập huấn cho người dân trong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo quy trình tiêu chuẩn, hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất. Điểm mới trong thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua là tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao ngay tại huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc đúng quy định. Quá trình phân hạng đảm bảo khách quan, trung thực theo phương châm không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng để tăng hiệu quả, bền vững cho sản phẩm.
Có thể thấy, các sản phẩm OCOP huyện Yên Minh đã và đang từng bước khẳng định được chất lượng với các thương hiệu tiêu biểu như: Chè Shan tuyết Cổng Thành, Giò lợn bản Lũng Hồ, Mật ong Bạc hà Ngọc Tuyên… Từ những giá trị đem lại, năm 2024, huyện phấn đấu phát triển mới 8 sản phẩm, phân hạng lại 3 sản phẩm. Đưa sản phẩm OCOP tinh túy đến tay người tiêu dùng, các giải pháp trọng tâm tiếp tục được huyện đẩy mạnh như: Tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản phẩm, dịch vụ gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; thường xuyên tập huấn cho cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể…
Bài, ảnh: Phạm Hoan
Báo Hà Giang – baohagiang.vn