Xác định việc phát triển các HTX NN là quan trọng trong phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, xác định trách nhiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết và các quy định pháp luật, chính sách về phát triển HTX. Tính đến hết quý II năm 2023, toàn tỉnh có 465 HTX NN, chiếm khoảng 57% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3.310 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân.
Các HTX NN là mắt xích quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng các sản phẩm đặc trưng của các HTX trên địa bàn huyện Yên Minh)
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP để thu hút khách du lịch, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động tại các địa phương, làng nghề. Ngoài ra nhiều HTX NN đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: Du lịch sinh thái, dịch vụ tổng hợp, nước sạch và nhiều dịch vụ khác đã đem lại lợi ích cho các thành viên HTX và cộng đồng.
Cùng với đó, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc phát triển các HTX NN có sản phẩm đặc trưng và khôi phục lại các làng nghề truyền thống của địa phương, vì vậy, các sản phẩm không ngừng được mở rộng, phát triển và đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú để phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP hấp dẫn khách du lịch như: Mật ong Bạc hà vùng cao, Hồng không hạt Yên Minh, Quản Bạ, gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, thịt bò Vàng trên Cao Nguyên đá Đồng Văn… cùng các làng nghề truyền thống như: Nghề làm khèn Mông, nghề dệt vải lanh của dân tộc Mông; nghề làm giấy bả, nghề chạm bạc của đồng bào Dao; nghề rèn… Đặc biệt, các sản phẩm của các làng nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc đều được làm thủ công, do vậy đã thu hút nhiều du khách mua và trải nghiệm.
Vườn dưa 4.0 của HTX Nông nghiệp Tiên Phong (Vị Xuyên) được ứng dụng công nghệ tưới thông minh
Để phát triển các HTX NN cung ứng các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, các ngành chức năng của tỉnh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và các làng nghề nhằm giúp các HTX, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, làng nghề tạo ra các sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc thù để phục vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, lồng nghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ và đầu tư cho các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và các làng nghề truyền thống, nhờ đó các sản phẩm không ngừng được phát triển, đa dạng về mẫu mã và hình thức, đặc biệt là chú trọng về chất lượng.
Tuy nhiên các HTX NN chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả hoạt động chưa cao, do đó các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của người dân cũng như khách du lịch.
Thời gian tới, để các HTX NN phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo vùng, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, liên kết lành mạnh, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người nông dân trong phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Báo Hà Giang – baohagiang.vn