Toàn huyện hiện có hơn 4.400 ha chè Shan tuyết, trong đó các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, Hồ Thầu đang duy trì trên 200 ha chè hữu cơ Organic châu Âu. Năm 2023, sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt trên 13.240 tấn, giá thu mua ổn định từ 12 – 25 nghìn đồng/kg. Sản lượng sau chế biến ước đạt gần 3.000 tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 344 tỷ đồng, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm.
Hồng trà hộp 100 gam và Trà xanh hộp 100 gam của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên đạt chuẩn OCOP 5 sao
Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, cây chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính của người dân, vì thế trong những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã có nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết địa phương bằng các giải pháp, như: Chứng nhận sản phẩm tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, tăng cường sản xuất nâng cao chất lượng gắn mẫu mã bao bì, nhãn mác, xúc tiến thương mại đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước. Trong đó thị trường châu Âu mang lại hiệu quả cao.
Với gần 3.000 cây chè được công nhận là Cây di sản Việt Nam, 16 sản phẩm chè sau chế biến như: Chè xanh, Hồng trà, Bạch trà đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Có 2 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận OCOP 5 sao gồm Hồng trà hộp 100 gam và Trà xanh hộp 100 gam của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, mở ra cơ hội mới rõ ràng hơn về phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Không gian thưởng trà tại huyện Hoàng Su Phì
Năm 2023, huyện Hoàng Su Phì phát triển thêm 2 không gian văn hóa trà với quy mô lên tới trên 100 người thưởng thức trà của mỗi không gian. Điều đó góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị chè Shan tuyết địa phương theo đúng Nghị quyết 06 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025…
Từ đam mê, trải nghiệm những rừng chè Shan tuyết cổ thụ, giờ đây du khách đến với Hoàng Su Phì còn được thưởng thức văn hóa bản địa qua việc trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức những loại trà hảo hạng. Bằng việc xây dựng văn hóa trà Việt, đang từng bước xây dựng những giá trị mới làm chất dẫn cho phát triển du lịch. Ông Alex, du khách đến từ vương quốc Anh cảm nhận: Đến với huyện Hoàng Su Phì tôi được thưởng thức trà Shan tuyết, một đặc sản ở vùng núi cao. Con người nơi đây đã khéo léo pha chế nên loại nước uống thơm ngon và đậm hương vị của núi rừng.
Các nghệ nhân ở Hoàng Su Phì trình diễn kỹ thuật pha chế trà Shan tuyết
Sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Hoàng Su Phì được nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, du khách thập phương lựa chọn làm quà tặng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn, cho biết: Hiện tại, huyện đang tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Hoàng Su Phì để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho người trồng chè; xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khuyến kích xây dựng “Không gian văn hóa trà Việt” tại các điểm du lịch vừa là điểm đến thưởng thức trà vừa giới thiệu các sản phẩm trà địa phương.
Toàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 4.400 ha chè Shan tuyết
Bài, ảnh: Văn Long – Đức Long
Báo Hà Giang – baohagiang.vn