Mặc dù có những khó khăn về địa hình của một vùng đất điệp trùng núi, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho Hoàng Su Phì những cây chè được sinh trưởng trong môi trường trong lành. Đa phần cây chè ở địa phương phát triển ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Chính bởi vậy, năm 2015 vùng chè Shan tuyết của huyện được Tổ chức Liên minh châu Âu đánh giá chứng nhận 141 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, diện tích còn lại đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Ngoài ra, huyện còn có khoảng 100 ha cây chè rừng quý hiếm, có giá trị cao, sinh trưởng và phát triển ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển.
Người dân thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Ảnh: Hoàng Tính
Phát huy giá trị kinh tế, văn hóa của chè, đến nay trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 8 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến chè, trong đó có 1 công ty đến từ Đài Loan. Đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện đã có sự định hướng, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu và tổ chức sản xuất, chế biến được 8 dòng sản phẩm chè khác nhau, như: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Bạch mẫu đơn, Shan tiên và trà Móng rồng. Những năm qua, các cơ sở sản xuất chè đã tham gia Chương trình phát triển sản phẩm ocop tại địa phương. Nhờ đó, kể từ năm 2019 đến nay toàn huyện đã có 13 sản phẩm ocop, trong đó có 2 sản phẩm ocop đạt 5 sao cấp quốc gia được chứng nhận năm 2021, là sản phẩm Hồng trà và Trà xanh. Hiện nay, huyện có 5 nhãn hiệu cá nhân và 2 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.
Với giá trị, chất lượng và sự đa dạng các sản phẩm, đến nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện kết nối và tiêu thụ trong nước, xuất khẩu nguyên liệu sang một số thị trường nước ngoài, như: Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Hà Lan và Newzealand… Giá trị chè Shan tuyết của huyện hiện đang dao động với mức từ 150 nghìn đến 12 triệu đồng/kg. Một giá trị cho thấy, người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè ở Hoàng Su Phì có thể sống được với nghề chè.
Phát huy và khai thác tối đa giá trị của cây chè, những năm qua, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề và kế hoạch phát triển cây chè Shan tuyết gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Nhìn lại hướng phát triển này, từ năm 2021 đến nay, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; thông qua các HTX, các công ty liên kết đưa sản phẩm chè đến các điểm du lịch sinh thái tại các HTX, công ty du lịch trên địa bàn, giới thiệu sản phẩm đến với khách du lịch. Cùng với đó, huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn cây chè di sản gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm cho khách du lịch đến địa phương tham quan rừng chè cổ thụ. Tổ chức các lễ hội chè Shan tuyết tại huyện nhằm tôn vinh giá trị vùng chè Hoàng Su Phì với không gian văn hóa các dân tộc đậm đà bản sắc, đồng thời tôn vinh văn hóa trà. Qua đó nhằm thu hút đầu tư phát triển cây chè Shan tuyết gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn. Hiện nay, nhiều cơ sở du lịch, lưu trú, homestay ở địa phương đều có gắn việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè địa phương rất tốt.
Du khách thích thú khi được nói chuyện với cụ Triệu Mùi Nghính, người có hình ảnh được in trên bao bì một sản phẩm chè nổi tiếng của Hoàng Su Phì. Ảnh: Hoàng Tính
Những nỗ lực của huyện đã được ghi nhận thông qua sự đánh giá của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, của tỉnh và đặc biệt là của khách hàng, du khách trong và ngoài nước. Tại Hội thi Trà Shan tuyết Hà Giang năm 2023, Hoàng Su Phì vinh dự đạt 12 trên tổng số 16 giải thưởng của Hội thi về chất lượng sản phẩm chè, với 2 giải Nhất, 10 giải Nhì. Đó là niềm vinh dự để Hoàng Su Phì tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng và giá trị đặc biệt của cây chè Shan tuyết; để cây chè cùng với những giá trị bản sắc văn hóa đặc biệt của vùng đất trở thành những lời mời gọi du khách muôn phương ghé thăm.
Nhìn nhận khách quan, có những khó khăn để phát triển cây chè Shan tuyết gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Đó là diện tích chè chủ yếu ở các khu vực núi cao, giao thông đi lại khó khăn, khó thu hút được nhà đầu tư phát triển nghề chè và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, là huyện biên giới, các thương lái nước bạn dễ dàng sang cạnh tranh thu mua chè nguyên liệu với phẩm cấp dễ làm, giá thành cạnh tranh, nhưng thị trường không ổn định, dẫn đến thương hiệu chè của huyện bị ảnh hưởng. Dù đã có sự quan tâm, nhưng nguồn vốn Nhà nước đầu tư khuyến khích người dân trồng và chế biến chè trong những năm qua còn hạn chế, chưa khuyến khích mạnh nhân dân và doanh nghiệp đầu tư lớn vào ngành chè. Nhận thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết còn hạn chế, chưa thúc đẩy các thương hiệu cạnh tranh mạnh trên thị trường.
Trên cơ sở đó, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm tìm thêm các cơ chế, chính sách, các nguồn lực để kích thích đầu tư vào ngành chè. Đồng thời, mong muốn Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và tỉnh quan tâm kêu gọi thu hút nhà đầu tư quy mô phù hợp, đủ tầm, giúp Hoàng Su Phì đi sâu sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến, kết nối giao thương sản phẩm chè trong và ngoài nước. Tiếp tục chỉ đạo chú trọng nâng cao giá trị chè Shan tuyết cổ thụ gắn với các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của huyện. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất mở rộng trồng chè gắn du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại những vườn chè Shan tuyết cổ thụ. Xây dựng các giải pháp phát huy giá trị bản sắc văn hóa của địa phương gắn với giá trị vườn chè Shan tuyết di sản.
Lý Chòi Nhàn
(Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì)
Báo Hà Giang – baohagiang.vn