Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Làng Ốp (theo đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng là làng Ơp) được thành lập năm 1927 với 15 hộ/76 khẩu. Làng hiện có 221 hộ với 658 khẩu, trong đó có 146 hộ đồng bào dân tộc Jrai. Trong làng còn lưu giữ 7 bộ cồng chiêng, có 2 đội cồng chiêng, 1 đội xoang, 3 nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, 7 người có thể chơi được các loại nhạc cụ dân tộc, 5 người biết nghề đan lát, 3 nghệ nhân tạc tượng, 4 người biết dệt thổ cẩm.
Già làng Hmrik (bìa trái) giới thiệu về cây đa cổ thụ trên 200 tuổi gắn liền với bà con dân làng. Ảnh: L.N
Đến với làng Ốp, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai như: chiêm ngắm ngôi nhà rông uy nghi, sừng sững; thăm khu vườn tượng nhà mồ, giọt nước… Cùng với đó là những trải nghiệm lý thú khi được cùng người dân làm ruộng, trồng rau, tìm hiểu một số nghề như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc; hòa mình vào những vòng xoang uyển chuyển trong tiếng cồng chiêng ngân vang. Không những thế, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống như: cơm lam, các món nướng (gà, heo, cá đồng), lá mì xào, cà đắng, rau rừng, uống rượu cần…
Ông Rơ Mah Hur-Trưởng thôn Ốp-cho biết: Từ năm 2008, TP. Pleiku đã quyết định đầu tư xây dựng làng Ốp trở thành làng văn hóa du lịch đầu tiên của thành phố. Theo đó, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, đường giao thông cùng các hạng mục công trình khác được đầu tư hoàn thiện; xây dựng nhà sinh hoạt tập thể, khu vệ sinh công cộng, lớp học công cộng cho thanh-thiếu niên trong làng. Mới đây, UBND thành phố đã đầu tư 450 triệu đồng để sửa chữa nhà rông văn hóa và trồng cây bóng mát phục vụ các sinh hoạt tập thể của người dân.
Tương tự, làng Ia Nueng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành với những hàng cây xanh rợp bóng, con đường hoa, hàng cây vú sữa. Đến với Ia Nueng, du khách cũng được chiêm ngưỡng 3 cây đa cổ thụ, giọt nước, nhà sàn truyền thống và hòa mình vào những điệu xoang. Ông Pyơk-Trưởng thôn Ia Nueng-chia sẻ: Làng có 225 hộ với 1.087 khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc Jrai chiếm 96,89%. Trong làng còn lưu giữ 5 bộ cồng chiêng được bà con sử dụng trong dịp cưới hỏi, tang ma, lễ trưởng thành hay trong những hoạt động văn hóa theo yêu cầu của địa phương. Làng có 1 đội cồng chiêng và 10 người lớn tuổi có khả năng truyền đạt, dạy đánh cồng chiêng cơ bản. Bên cạnh đó, làng còn lưu giữ một số nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan cây đa cổ thụ, nhà rông văn hóa và giọt nước của làng, già làng Hmrik cho hay: Trong làng có 3 cây đa cổ thụ khoảng 200 năm tuổi. Hàng năm, cứ vào dịp lễ, Tết, ngày hội của làng, bà con lại tụ họp dưới mái nhà rông hay dưới cây đa cổ thụ để tổ chức các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa như: pơ thi, mừng lúa mới, cúng giọt nước. “Làng Ia Nueng được chọn xây dựng làng du lịch cộng đồng nên bà con rất mừng. Để làm được điều này, tôi sẽ cùng với Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động dân làng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai, thực hiện nếp sống văn minh, giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thân thiện với du khách”-ông Hmrik chia sẻ.
Phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng
Theo ông Dương Ngọc Anh-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, thực hiện quyết định của UBND thành phố, Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo cấp ủy, đoàn thể các khu dân cư, trường học đẩy mạnh tuyên truyền về đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ốp. Đặc biệt, cuối năm 2022, thành phố đã đầu tư xây dựng nhà dài, lát đá, chỉnh sửa khuôn viên giọt nước với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Định hướng tổ chức điểm trường làng trở thành điểm sinh hoạt của đội cồng chiêng và xoang cũng như là nơi trưng bày các sản phẩm du lịch, khu ẩm thực phục vụ du khách. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường, trồng hoa, làm hàng rào xanh bằng cây chè. Cùng với đó, xã vận động người dân làm nhà sàn truyền thống, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư homestay.
Con đường hoa đẹp mắt ở làng Ia Nueng. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ thì cho hay: Làng Ia Nueng có Khu du lịch sinh thái Biển Hồ nên có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch. Để xây dựng thành công làng văn hóa du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, xây dựng phong cách ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch sáng-xanh-sạch-đẹp-thân thiện, hướng tới mục tiêu “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, khuyến khích và có chính sách thu hút, phát triển các sản phẩm đặc trưng. Mới đây, xã phối hợp với Thành Đoàn Pleiku trồng 300 cây đỗ mai hai bên trục đường vào Khu du lịch sinh thái Biển Hồ; thành lập đội cồng chiêng và xoang để tham gia giao lưu với du khách. Ngoài ra, xã cũng đã hoàn thành việc tổ chức lớp kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho 26 học viên là người dân tộc thiểu số tại làng Phung và làng Ia Nueng; thành lập tổ quản lý du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố-cho biết: Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16-8-2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường cụ thể hóa nội dung nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, trọng tâm, bám sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đến nay, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và người dân về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội được nâng lên. Các nhiệm vụ phát triển du lịch được quan tâm triển khai.
“Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với UBND xã Biển Hồ, phường Hoa Lư, Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức tập huấn kỹ năng điều hành dịch vụ lưu trú tại nhà dân; kỹ năng giao tiếp ứng xử với khách du lịch, đào tạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản cho người dân tham gia vào các dịch vụ du lịch. Kết nối với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các công ty lữ hành giới thiệu, quảng bá các tour du lịch đi và đến Pleiku. Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa truyền thống phục vụ mục đích phát triển du lịch của địa phương”-ông Hà thông tin thêm.