Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cơ quan chú trọng triển khai.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 104 sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP. Do đó, hiện chỉ có 305 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3-4 sao của 30 doanh nghiệp, 40 HTX và 91 cơ sở sản xuất hộ kinh doanh (4 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia) còn hạn sử dụng nhãn hiệu.
Để đảm bảo chất lượng, nhãn hiệu và mẫu mã những sản phẩm đã được công nhận OCOP 3-4 sao, công tác hậu kiểm luôn được các ngành quan tâm thực hiện. Gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 563/KH-SNNPTNT về kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm đạt OCOP giai đoạn 2021-2023 và những sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP tại 8 huyện, thị xã gồm: Đak Đoa, Kbang, Mang Yang, Chư Păh, Krông Pa, Chư Prông, Ayun Pa và An Khê. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế tại cơ sở về việc chấp hành các quy định trong sử dụng nhãn hiệu OCOP. Bên cạnh đó, đoàn hướng dẫn các chủ thể hoàn tất hồ sơ, thủ tục đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian công nhận.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại khu vực hàng thông trăm tuổi (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Ảnh: N.D
Bà Phạm Thị Từ Vân-Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết: Từ khi tham gia Chương trình OCOP đến nay, HTX có 8 sản phẩm được công nhận 3 sao còn trong thời gian sử dụng nhãn hiệu OCOP. “Vừa rồi, đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra các sản phẩm OCOP của HTX. Đây là việc làm cần thiết, giúp HTX không chủ quan với chất lượng sản phẩm sau khi được công nhận OCOP; không ngừng đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”-bà Vân chia sẻ.
Còn ông Võ Văn Vinh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang thì cho hay: Từ năm 2021 đến 2023, toàn huyện có 51 sản phẩm của các chủ thể là HTX, hộ gia đình sản xuất kinh doanh được công nhận OCOP 3-4 sao. Việc kiểm tra, giám sát nhằm nhắc nhở các chủ thể phải chủ động vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Đặc biệt, tiếp tục đầu tư nâng tầm chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo đúng quy định đã công bố góp phần phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.
Bưởi da xanh trồng tại xã Đak Sơmei được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: N.D
Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-thông tin: Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các chủ thể ở các địa phương đã khai thác tiềm năng và thế mạnh các loại nông sản đặc trưng để đầu tư chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đặc biệt, để củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, các cơ quan chuyên môn thường xuyên giám sát chặt chẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm OCOP đúng chất lượng như đã công bố, tạo sự cạnh tranh công bằng cho các chủ thể ở các địa phương.
“Hiện các sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao của tỉnh đều có bước tiến về chất lượng, đa dạng bao bì, mẫu mã đảm bảo các điều kiện quy định, bước đầu mang lại lợi ích cho cộng đồng, chủ thể. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn như thông tin ghi trên bao bì chưa đúng theo quy định, chưa gửi mẫu kiểm tra định kỳ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm đã công bố. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng bền vững”-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết thêm.
Nguyễn Hồng
Báo Gia Lai – baogialai.com.vn