Hiện nay, nhiều hộ làm nông nghiệp trên địa bàn thị xã đã sản xuất trong nhà lưới, áp dụng công nghệ cao với các thiết bị điều khiển tự động, hệ thống tưới nước tiết kiệm và giám sát nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp đối với cây trồng. Nhờ đó, các mô hình sản xuất mới đã mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình như: trồng ổi VietGAP trên diện tích 2 ha ở xã Trác Văn, bưởi ở xã Chuyên Ngoại (1 ha), nho ở xã Trác Văn (1,5ha) và 20 ha bưởi tại phường Châu Giang. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản áp dụng theo hình thức công nghiệp, có hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đến nay, thị xã Duy Tiên đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích 202,9 ha, trong đó vùng sản xuất lúa hàng hóa tổng diện tích 120,5 ha tại 4 xã, phường (Tiên Sơn, Tiên Ngoại, Châu Giang, Yên Nam); Vùng trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở xã Mộc Nam (32,4 ha); Vùng thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô, cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc (33 ha), xã Chuyên Ngoại (10,5 ha); Vùng trồng rau sạch tại xã Trác Văn (6,5 ha)…
Trên các vùng sản xuất lúa tập trung được các hộ tích cực đưa cơ giới vào sản xuất, đạt 100% diện tích. Cùng với đó, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, chiếm hơn 52% cơ cấu giống; quy hoạch và phát triển vùng cây ăn quả với tổng diện tích 820 ha; trong đó, ưu tiên lựa chọn giống cây trồng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng có tiềm năng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, như: rau hữu cơ ở xã Trác Văn và các xã vùng ven sông Hồng, sông Châu; vùng cây ăn quả theo hướng VietGAP tại các xã, phường: Châu Giang, Trác Văn, Chuyên Ngoại, Tiên Sơn với diện tích khoảng 50 ha. Hiện nhiều địa phương còn phát triển các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: hồng, ly, lan, cúc, sen, súng và các loại cây cảnh, cây công trình phục vụ nhu cầu của nhân dân và xây dựng đô thị.
Ông Nguyễn Quốc Hinh, Chủ tịch UBND phường Duy Hải cho biết: Trên vùng đất trũng khó gieo cấy với diện tích khoảng 20 mẫu hiện phường có 10 hộ trồng hoa sen, súng để khai thác sản phẩm bán ra thị trường. Các khu vực trồng sen, súng vào ngày nghỉ được đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh và đặt mua sản phẩm. So với trước đây mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi năm thu từ 250 – 270 triệu đồng/sào.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng đối tượng và phương thức nuôi phù hợp; ưu tiên tăng đàn tại các trang trại xa khu dân cư có hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở Duy Tiên là 880 ha, tập trung ở các khu sản xuất đa canh, trang trại. Trên địa bàn có 5 hộ thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” ở các xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại và phường Châu Giang, mỗi mô hình trên 1 ha; 32 hộ nuôi cá lồng, bè, trên sông với 220 lồng, sản lượng thủy sản hằng năm đạt 550 tấn… Với đàn bò sữa phấn đấu đến năm 2025 toàn thị xã có 3.500 con bò nhưng đến hết năm 2022 số bò sữa vượt chỉ tiêu kế hoạch (3.516 con) và hiện nay sản lượng sữa tươi đạt bình quân 27 tấn/ngày. Chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến trong nông nghiệp và nâng cao chất lượng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra sản phẩm chế biến đặc trưng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đến nay, các cơ sở đã phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ sữa bò, trong đó 7 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 4 sao và 6 sản phẩm hạng 3 sao.
Về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được quản lý chặt chẽ, sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Các hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ khí sinh học biogas, đệm lót sinh học, máy ép phân để thu gom phân thải rắn. Ngoài ra, các hộ sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi hôi chuồng trại, nuôi giun quế để tăng hiệu quả trong xử lý chất thải hữu cơ quy mô hộ gia đình chăn nuôi bò tại các xã: Mộc Bắc, Trác Văn. Các hộ nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ sử dụng vi sinh xử lý môi trường ao nuôi, nghiêm túc không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, không xả thải chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái trên địa bàn đã hình thành một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho địa phương. Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt vừa tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, sản xuất nông nghiệp ở Duy Tiên tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng bình quân 1,61%/năm. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm 63,31%. Đây chính là kết quả bước đầu và là tiền đề quan trọng để thị xã thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 17/3/2021 về phát triển nông nghiệp đô thị Duy Tiên theo hướng sinh thái giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra.
Phùng Thống
Báo Hà Nam – baohanam.com.vn