Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với Biển Đông và được hình thành bởi 3 dải cù lao lớn, gồm cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Ngoài hệ thống sông, rạch chằng chịt, tỉnh còn có ruộng, vườn, cùng với những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông đã tạo ra “bức tường xanh” bảo vệ hệ sinh thái ven biển.
Phát huy thế mạnh
Nhận thấy tiềm năng đó, nhiều HTX trên địa bàn đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế để thu về những thành công rất tích cực. Điển hình như HTX nông nghiệp Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam) đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng tour du lịch trên địa bàn xã, mở ra hướng đi thoát nghèo, làm giàu cho thành viên.
Được thành lập vào năm 2017, HTX Định Thủy đang có 292 thành viên, trong đó 75% là các hộ trồng dừa. Cùng với 3 HTX khác cùng kinh doanh, sản xuất dừa theo chuỗi giá trị, HTX đã góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho nhiều nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ông Đặng Trúc Phương, Giám đốc HTX, cho hay dịch vụ du lịch sinh thái của HTX được phát triển từ năm 2018. Để nâng cao chất lượng, HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp lữ hành: thành viên HTX cung cấp các sản phẩm du lịch miệt vườn, còn doanh nghiệp sẽ kết nối với du khách.
Sau gần 2 năm chịu tác động của đại dịch, thời gian qua, HTX đang tích cực phục hồi hoạt động, khởi động các chương trình hấp dẫn để thu hút du khách. HTX đặt mục tiêu đưa dịch vụ du lịch trở thành lĩnh vực chủ lực, nâng cao 30 – 50% thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Với những đóng góp tích cực của các HTX điển hình như HTX Định Thủy, diện mạo nông nghiệp, nông thôn xã Định Thủy ngày càng “thay da, đổi thịt”. Minh chứng là Định Thủy đã xuất sắc trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam.
Thúc đẩy nông thôn mới
Đến nay, 100% đường xã Định Thủy đã được bê tông đạt chuẩn theo quy định, 100% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 100% đường ngõ, xóm xanh, sạch, đảm bảo giao thông thông suốt.
Hệ thống thủy lợi đảm bảo nhu cầu tưới tiêu. 3 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, trong đó có 1 trường cơ bản đạt mức độ 2. 100% ấp có thiết chế văn hóa ấp đạt chuẩn 100 chỗ ngồi, có trang thiết bị hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao.
Ngoài ra, xã đã đầu tư nâng cấp chợ Định Thủy, xây dựng các quầy hàng văn minh. Có 3.126 nhà kiên cố và bán kiên cố, đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 71,65 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 chiếm 2,34%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 75,26%.
Không chỉ ở Định Thủy, phong trào phát triển du lịch sinh thái nhằm thích ứng biến đổi khí hậu đang ngày càng lan rộng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Đơn cử như HTX Du lịch – Nông nghiệp Bến Tre (xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre) cũng được thành lập dựa trên chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân của tỉnh.
HTX được thành lập năm 2016, đến nay có gần 100 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 10ha đất trồng bưởi da xanh, sản lượng khoảng 80 tấn trái/năm. Nhờ kết hợp tốt giữa sản xuất và du lịch sinh thái, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Với đóng góp tích cực của HTX, xã Nhơn Thạnh trở thành xã thứ 2 của TP.Bến Tre đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,19 triệu đồng/năm, tăng 25 triệu đồng/năm so với thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (vào năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều trên địa bàn xã là 1,42%, giảm 1,75% so với thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân rộng các mô hình điểm
Từ những “lá cờ đầu” như vậy, tỉnh Bến Tre đang dành nhiều nguồn lực và sự quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái, với mục tiêu cốt lõi là thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân, qua đó xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Thực tế cũng chỉ ra, nhờ sự quan tâm của các cấp, cùng sự đóng góp của các HTX, doanh nghiệp, sự nỗ lực của người dân, du lịch Bến Tre đã có bước phát triển khởi sắc, nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống đưa vào hoạt động, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đã và đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Để có được những thành công hiện tại, theo lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Bến Tre, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ở những vùng nông thôn có điều kiện tham gia làm du lịch.
Trong đó, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung của Trung ương, tỉnh Bến Tre còn định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ phát triển du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, du dịch sinh thái theo hướng du lịch xanh, bền vững, nhằm góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Thời gian tới, tỉnh dự kiến tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng đặc trưng miền sông nước, xứ dừa, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử; đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng, hình thành tuyến cụm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối du lịch với địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ. Đây sẽ là một trong những điểm tựa giúp quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh bứt phá.
Sáu Ngạn
Tạp chí điện tử Kinh Doanh – vnbusiness.vn