Khai thác lợi thế tài nguyên
Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều loại hình phát triển du lịch đang phát triển, tập trung 4 loại hình: Du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới.
Ví như huyện Bác Ái có làng du lịch sinh thái dân tộc Bố Lang, thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình, Làng sinh thái dân tộc Raglai thôn Hành Lạc thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bầu Trúc và Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Vĩnh Hy, du lịch thôn Cầu Gãy và du lịch vườn nho Thái Anxã Vĩnh Hải…
Hơn 10 năm trở lại đây, du lịch nông thôn đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ dân ở một số làng quê nông thôn, miền núi; góp phần thúc đẩy du lịch và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ninh Thuận được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Kinh, Chăm và Raglai… cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Khí hậu ở Ninh Thuận có đặc thù ít mưa, nhiều nắng, là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao và trở thành đặc sản của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam…
Những vùng trồng đặc sản nói trên gắn với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa. Dọc chiều dài 105km bờ biển Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ – Bình Sơn, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Hỏm, Mũi Dinh và Nam Cương…Trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Vườn Quốc gia Núi Chúa là 1 trong 11 vùng sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2021. Đây là những yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng để quảng bá, tạo sức lan tỏa cao làm nền tảng cho du lịch phát triển nói chung và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn nói riêng.
Tiềm năng từ Chương trình OCOP
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có tiềm năng lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 65 sản phẩm của 37 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 56 sản phẩm OCOP đạt 3 sao thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm; thủ công mỹ nghệ, thảo dược, đồ uống và ngành dịch vụ du lịch nông thôn.
Trang trại nho Ba Mọi của Ôn Nguyễn Văn Mọi, thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được đầu tư rất bài bản, sạch sẽ. Một khoảng không gian rộng làm sân nhà được gia chủ kê các bàn cho khách ngồi nghỉ thưởng thức đồ uống siro nho, thưởng thức những trái nho, táo xanh căng mọng, nho sây, táo sấy. Tất cả các sản phẩn này đều đạt OCOP 3, 4 sao. Gần đó là pano để khách chụp ảnh lưu niệm. Điều thích thú đối với du khách nhất là được chủ nhà đưa ra tham quan các vườn nho cũng như được giới thiệu về lịch sử của cây nho, cách trồng chăm sóc… Theo ông Nguyễn Văn Mọi, những năm qua trang trại mở cửa đón khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, được khách du lịch đánh giá cao. Vào mùa hè, mỗi ngày trang trại đón khoảng 300 – 400 khách, còn mùa thấp điểm mỗi ngày trung bình đón khoảng100 – 200 khách.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, cùng với sản phẩm nho hồng NH01-152 đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho. Hiệu quả thấy rõ khi đa phần du khách đến đây tham quan đều chọn mua một số sản phẩm OCOP về dùng hoặc làm quà. Hiện nay, Hợp tác xã đang mở rộng đầu tư trồng 5 giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo điểm nhấn, dự kiến sẽ khai thác du lịch khu vườn nho này vào dịp Tết Dương lịch tới đây.
Theo các hộ trồng nho, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, mỗi năm các nhà vườn ở Thái An có thể thu hoạch 3 vụ nho, ước tính từ 2,5 – 3 tấn nho/sào trong vụ chính. Vụ thu hoạch chính bắt đầu từ cuối tháng 3-5 dương lịch, vụ thu hoạch vào tháng 8-9 và vụ cuối năm bán vào dịp Tết. Việc trồng nho gắn với du lịch nhà vườn giúp nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, tăng giá trị kinh tế từ cây nho.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với xã Vĩnh Hải mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ, đồng thời lắp đặt biển báo dọc tuyến đường 702 để hướng dẫn du khách tham quan các trang trại nho Thái An.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung khuyến khích các tổ chức kinh tế bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP nhằm hoàn thiện, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương lồng ghép và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Đồng thời đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất, Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm; xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa để kết nối các chương trình, tour, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP, trạm dừng chân và trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú cho các tour, tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố.
Ngọc Minh
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn