Du lịch nông thôn Albania thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm

Là quốc gia có diện tích khiêm tốn ở châu Âu, Albania đã lấy du lịch nông thôn làm trọng tâm cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục của Vườn Quốc gia Vjosa đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những người đam mê khám phá và yêu thích mạo hiểm. Người dân Albania đã bảo tồn dòng sông Vjosa, biến nơi đây thành khu vực kinh doanh du lịch nông nghiệp, khai phá tiềm năng bản địa của khu vực này.

Là quốc gia có diện tích khiêm tốn ở châu Âu, Albania đã lấy du lịch canh nông làm trọng tâm cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Mỗi năm, lượng khách du lịch đến Albania tăng đáng kể, từ 4 triệu lượt vào năm 2016 lên tới 8,4 triệu lượt khách vào tháng 10/2023. Sự bùng nổ của các chuyến du lịch đến tham quan vùng đất này đòi hỏi người dân phải nâng cao chất lượng thực phẩm và các dịch vụ liên quan khác.

Chương trình SFS-MED hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, trường đào tạo nấu ăn và các cá nhân trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp hình thành một khối liên kết bền vững. Ảnh: FAO.

Chương trình Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững khu vực Địa Trung Hải (SFS-MED)

Năm 2022, với sự hỗ trợ của Chính phủ Albania và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), dự án Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững khu vực Địa Trung Hải (SFS-MED) đã được triển khai với nguồn quỹ tài trợ từ Chính phủ Italy.

Dự án nhằm tăng cường tập huấn và đối thoại để bổ sung những thiếu hụt về chuyên môn cho người bản địa, hỗ trợ họ nâng cao trình độ làm du lịch nông nghiệp.

Với những nỗ lực này, Albania không chỉ tăng cường thu hút khách du lịch mà còn đảm bảo phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chương trình SFS-MED hỗ trợ nông dân, cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp, tổ chức tài chính vi mô, trường đào tạo nấu ăn và các cá nhân trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp hình thành một khối liên kết bền vững, tương trợ lẫn nhau.

Dự án khuyến khích người bản địa tạo ra mạng lưới hợp tác trong sản xuất và thương mại nông sản. Ngoài ra, người dân được hướng dẫn thực hành các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững như tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và tưới nước bằng phương pháp nhỏ giọt.

Đến Albania, du khách được thưởng thức đặc sản địa phương ngay tại trang trại qua mô hình Farm-to-Table. Ảnh: Du lịch Albania

Đến Albania, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức các món ăn đặc trưng của người dân bản địa. Một trong những điểm đến nổi bật là Liles, cơ sở du lịch nổi tiếng với truyền thống sản xuất rượu. Sản phẩm rượu truyền thống mang tên Gliko và Raki được lên men từ hoa quả, mang theo hương vị đặc sản của vùng phía nam Địa Trung Hải. Nhờ tham gia vào Chương trình đào tạo SFS-MED, cơ sở Liles đã xây dựng thương hiệu rượu truyền thống, giới thiệu sản phẩm với quốc tế.

Thu hút lao động trẻ tham gia vào du lịch canh nông

Ngân hàng Thế giới ước tính, khu vực sản xuất ở đô thị của Albania lớn gấp 11 lần khu vực sản xuất ở nông thôn, trong khi dân số thành phố chỉ gấp 1,3 lần so với dân số nông thôn.

Theo đó, Albania đối mặt với thách thức khi thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt lực lượng lao động trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều người trẻ tuổi có xu hướng ly nông, ly hương lên thành phố tìm kiếm thu nhập cao hơn hoặc làm việc ở các quốc gia khác.

Trong khi đó, lao động cao tuổi ở nông thôn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận chuyển đổi số, khó đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về dịch vụ và chất lượng an toàn thực phẩm. Người dân địa phương phải đáp ứng các tiêu chí quan trọng về chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.

Thu hút giới trẻ trở về quê hương làm du lịch canh nông sẽ là lời giải cho bài toán xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Người dân ở Albania kỳ vọng du lịch nông nghiệp sẽ trở thành lĩnh vực thịnh vượng của quốc gia nhỏ bé này, một vùng đất xinh đẹp ẩn mình giữa châu Âu.