Chị Lê Thị Bé cho biết có ngày cao điểm đón hơn 100 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Mô hình du lịch nông nghiệp này giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên khuyết tật tại địa phương. Mỗi năm, chị Lê Thị Bé thu lãi 150 triệu đồng từ mô hình du lịch này.
Du khách thích thú check-in tại cánh đồng sen
Ông Trần Văn Hùng ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết trước đây, gia đình ông làm nghề mây tre tạo ra các sản phẩm lưu niệm bằng tre thân thiện với môi trường, bán cho khách hàng. Từ khi làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu tại xã Duy Vinh hình thành đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân địa phương về phát triển du lịch. Từ đó, ông Trần Văn Hùng thành lập tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng thu hút nhiều thành viên tại địa phương tham gia.
Mô hình du lịch nông nghiệp của chị Lê Thị Bé thu hút nhiều du khách tham quan
Ông Hùng cho biết, du khách còn được trải nghiệm các làng nghề dệt chiếu, đan lát và tham quan rừng dừa nước: “Khách tới đây mình phục vụ tham quan, họ thích làm các sản phẩm từ tre, mình dạy cho họ làm tre, làm hoa, bông mình bày cho họ vẽ, làm những vật nhỏ để lưu niệm. Tôi đứng ra giúp cho các hộ dân trong địa bàn xã này làm du lịch có tiền. Có đoàn mình phục vụ nấu ăn cho khoảng 20 người, thu về được 2 triệu đồng”.
Hiện nay, người dân nhiều địa phương đã chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu đáng kể cho bà con. Chính quyền các địa phương đã đồng hành với người dân phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp thông qua hình thức hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo sinh kế, tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi từ các mô hình du lịch.
Ông Trần Văn Hùng chế tác một sản phẩm từ tre phục vụ khách du lịch
Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn hiện nay đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Để thu hút nhiều hơn lượng du khách đến Duy Xuyên thì ngoài quảng bá, xúc tiến thì thu hút kết nối, liên kết các tour tuyến rất quan trọng”.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 40 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn. Tỉnh này có nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề du lịch trong các khâu liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch.