Gần đây, điểm du lịch sinh thái trải nghiệm và hướng nghiệp Nhân Trí Dũng ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (Cần Thơ) thu hút đông gia đình có trẻ nhỏ, thanh, thiếu niên đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Đến đây, các em được trải nghiệm làm gốm Bát Tràng thủ công, thử sức hóa thân thành nghệ nhân, tự tay trải nghiệm để tạo hình sản phẩm. Khi gốm được sấy khô, các bạn được tự do sáng tạo hoa văn, trang trí mầu sắc tùy thích và mang sản phẩm về làm kỷ niệm. Các em còn trải nghiệm với các công việc khác nhau như: Lính cứu hỏa, làm tò he, chăm sóc sức khỏe em bé, khảo cổ khủng long, biểu diễn thời trang, lội mương bắt cá, tắm sông,…
Chị Lê Minh Phương ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Dịp hè và những ngày cuối tuần, tôi thường dẫn các con đến vui chơi ở điểm du lịch này. Các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển kỹ năng sống và hình thành những khái niệm cơ bản về nghề nghiệp một cách tự nhiên nhất, khám phá cuộc sống thông qua lao động. Những hoạt động vừa học, vừa chơi giúp các em phát triển bản thân, rời xa các thiết bị điện tử và có cơ hội được vui chơi ngoài thiên nhiên”…
Huyện Phong Điền hiện có 48 điểm vườn du lịch nông nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và các điểm du lịch liên kết, tập trung nhiều nhất ở xã Mỹ Khánh. Trong đó, có ba điểm được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, gồm: Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch Ông Đề, Khu du lịch Lung Cột Cầu và bốn điểm được Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của thành phố, gồm: Vườn trái cây Vàm Xáng; Vườn trái cây Giáo Dương; Vườn trái cây Chín Hồng; Khu nghỉ dưỡng Cantho Eco Resort.
Điểm đặc biệt của du lịch sinh thái miệt vườn huyện Phong Ðiền chính là “vườn nào, thức ấy”, nghĩa là, trong vườn có trái cây nào ngon, nhiều, chủ vườn chế biến thành những món ngon, khác lạ đãi khách. Chính du lịch kết hợp với ẩm thực đã níu chân du khách. Chẳng hạn món gỏi măng cụt, sầu riêng chiên ở khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu; hay vườn Mười Cương có nhiều sản phẩm ngon được làm từ ca-cao như rượu ca-cao, chocolate; còn vườn Bà Hiệp có món gỏi ổi, ổi chiên giòn…
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, hơn 70% số du khách đến Phong Ðiền chọn các điểm vườn, du lịch sinh thái, trong đó phần lớn là khách đến từ Hà Nội, các tỉnh phía bắc, miền trung và khu vực Đông Nam Bộ. Thời điểm đông nhất là từ cuối tháng 4 đến hết mùa hè, cũng là giai đoạn các vườn trái cây vào mùa chín rộ. Trong tám tháng năm 2023, Phong Điền thu hút hơn 1,17 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 44 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu hơn 365 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền Võ Thành Giúp cho biết, Phong Điền đã lập quy hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái gồm ba tiểu vùng: Vùng phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn; vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh để thu hút đầu tư. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn huyện nhưng tiến độ còn chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn.
Thực tế, du lịch sinh thái huyện Phong Ðiền vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Các điểm du lịch phần lớn đều tự phát, quy mô nhỏ, dàn trải cho nên các sản phẩm, dịch vụ dễ trùng lặp. Việc đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gặp khó khăn do chưa có tiêu chí cụ thể, người dân, doanh nghiệp gặp khó trong xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển du lịch.
Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển huyện Phong Ðiền trở thành đô thị sinh thái. Tuy vậy, từ khi có nghị quyết đến nay đã hơn 5 năm nhưng các tiêu chí về đô thị sinh thái vẫn chưa được ban hành cho nên khó khăn cho địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và thu hút đầu tư vào du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhiều năm qua, thành phố, huyện Phong Điền huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, thủy lợi ở các vùng chuyên canh cây ăn trái, hoa kiểng gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm OCOP để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị sinh thái.
Từ thực tế, huyện Phong Điền mong muốn thành phố Cần Thơ ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội theo các tiêu chí đô thị sinh thái như Nghị quyết của Thành ủy đã ban hành. Qua đó, giúp tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài chính trong đầu tư phát triển du lịch để Phong Điền phát triển nhanh trong thời gian tới…
Bài và ảnh: Thanh Tâm
Báo Nhân dân- nhandan.vn