Cuối năm 2023, đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án DLST rừng) được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là đề án được kỳ vọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái rừng có quy mô và đặc sắc nhất Đông Nam bộ và cả miền Nam, đặc biệt là dự án Khu nuôi động vật bán hoang dã (safari) được người dân kỳ vọng.
* Cơ hội bứt phá cho du lịch sinh thái rừng
Đề án DLST rừng của Khu bảo tồn đã trải qua hành trình nhiều năm bàn họp, chỉnh sửa, cân nhắc trước khi được UBND tỉnh phê duyệt. Do những vướng mắc từ các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp… nên Đề án DLST rừng phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh.
Đề án DLST rừng được thực hiện trên tổng diện tích hơn 100 ngàn ha, trong đó có trên 68 ngàn ha là đất lâm nghiệp và trên 32,5 ngàn ha là mặt nước (hồ Trị An), trải dài qua các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán. Trên diện tích hồ Trị An còn có hơn 70 hòn đảo lớn nhỏ có thể khai thác nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm rừng, hồ thú vị. Rừng ở Khu bảo tồn có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, phù hợp phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá rừng.
Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, việc Đề án DLST rừng được phê duyệt sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đặc biệt, dự án Safari và Công viên thể thao hàng không Đồng Nai… cùng với khai thác những tài nguyên du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng… sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch tham quan, khám phá rừng sinh động và hấp dẫn nhất khu vực.
Tại cuộc họp giao ban ngành du lịch của tỉnh năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH từng đánh giá, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt là sử dụng rừng làm safari sẽ tôn tạo và phát huy những giá trị của rừng, để con người tiếp cận rừng trong một tư thế bảo vệ và thưởng lãm.
* Bảo tồn và phát huy những giá trị của rừng
Khu bảo tồn hiện có 5 hệ sinh thái rừng, gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh lá rộng; hệ sinh thái rừng hỗn giao tre nứa với cây gỗ lá rộng; hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loài; hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi và hệ sinh thái ven sông, hồ; cùng với hơn 1,5 ngàn loài thực vật rừng và hơn 2 ngàn loài động vật rừng. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của rừng, Đề án DLST rừng đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; quá trình khai thác các sản phẩm du lịch phải đi đôi với việc tăng cường giám sát các hoạt động du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Khu bảo tồn đang là điểm đến hấp hẫn du khách gần xa. Nhiều hộ dân đã khai thác lợi thế trên để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Anh Trần Mạnh Cường, khách du lịch đến từ TP.HCM cho biết, vào mỗi dịp cuối tuần, anh cùng gia đình thường về hồ Trị An để cắm trại và có những giây phút tham quan rừng rất ấn tượng. Thông qua hướng dẫn viên của địa phương, khách du lịch có được nhiều trải nghiệm thú vị khó quên.
Anh Cường chia sẻ: “Tôi biết thông tin về phát triển safari ở Khu bảo tồn đã lâu và luôn theo dõi tiến độ thực hiện dự án này. Tôi hy vọng sau khi đề án phát triển du lịch được thông qua sẽ giúp cho Khu bảo tồn có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Với những tiềm năng sẵn có và sự quy hoạch bài bản về du lịch, trong tương lai, đây sẽ là một quần thể du lịch sinh thái rừng đẳng cấp của Đồng Nai nói riêng và của Việt Nam nói chung”.
Chia sẻ về cơ hội phát triển du lịch sinh thái rừng tại Khu bảo tồn, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, Đề án DLST rừng của Khu bảo tồn vừa được phê duyệt sẽ là cơ hội, tạo đà cho du lịch Đồng Nai có cơ hội bứt phá. Theo bà Bình, đến nay Đồng Nai đã có 2 đề án phát triển du lịch sinh thái rừng tại các huyện Định Quán và Vĩnh Cửu, đây là những địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, với những lợi thế về hạ tầng giao thông trong tương lai được kết nối rộng rãi, nguồn lực lao động địa phương khá dồi dào, Đề án DLST rừng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của du lịch trong nước và quốc tế, đưa ngành du lịch Đồng Nai bứt phá với những sản phẩm du lịch cao cấp, mang đẳng cấp quốc tế.
Ngọc Liên
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn