Vườn chôm chôm tại xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) là điểm đến hấp dẫn của du khách |
Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích cây trồng này giảm nhiều về diện tích do ngày càng kém hiệu quả so với các loại cây ăn trái khác. Nhưng những vườn chôm chôm lại là điểm đến ấn tượng để phát triển du lịch vườn. Đây cũng là giải pháp nhiều nhà vườn ở xã Bình Lộc và thành phố Long Khánh khai thác, góp phần tăng giá trị kinh tế cũng như giữ cây đặc sản này.
Lo mất dần giống đặc sản bản địa
Những giống chôm chôm địa phương của Đồng Nai là đặc sản nổi tiếng và đã được cấp chỉ dẫn địa lý là chôm chôm giống Java và chôm chôm nhãn trồng ở các xã, phường: Bình Lộc, Bảo Quang, Xuân Tân, Bảo Vinh (thành phố Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm Java Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dày và đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là những yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh, qua đó khẳng định chất lượng đặc thù của chôm chôm Long Khánh so với các vùng khác.
Tuy nhiên, hiện diện tích 2 giống chôm chôm này đã giảm rất nhiều so với trước.
Ông Đỗ Vĩnh Thụy, nông dân sản xuất giỏi tại xã Xuân Định từng trồng vài hécta chôm chôm nhãn và Java, cho biết: “Tôi đã chặt bỏ diện tích chôm chôm để chuyển sang trồng sầu riêng do cây trồng này kém hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng mới. Khi rộ vụ, giá chôm chôm thường giảm sâu, khiến lợi nhuận của người trồng chôm chôm rơi vào cảnh bấp bênh. Trong đó có nguyên nhân thu hoạch chôm chôm tốn chi phí lao động hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác”.
Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có tổng diện tích hơn 9 ngàn hécta chôm chôm với tổng sản lượng hơn 152 ngàn tấn. Tuy diện tích cây trồng này có giảm nhiều so với trước nhưng Đồng Nai vẫn thuộc tốp đầu cả nước về diện tích trồng chôm chôm. |
Chôm chôm Long Khánh từng nổi tiếng xa gần về chất lượng, ngon. Thời hoàng kim, chỉ tính riêng xã Bình Lộc đã có trên 1 ngàn hécta chôm chôm. Nhưng hiện nay, địa phương này chỉ còn khoảng 400 hécta chôm chôm, chủ yếu trồng chôm chôm giống Thái.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc Phùng Thanh Tâm, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất Long Khánh. Trái chôm chôm Java từng xuất khẩu đi Pháp và có khách hàng đặt vấn đề bao tiêu loại trái cây này xuất khẩu đi những thị trường khó tính với sản lượng lớn, nhưng địa phương không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm này. Theo đó, đầu ra của loại trái cây này khá bấp bênh, hiệu quả kinh tế thu về không bằng một số loại cây trồng mới, khiến nông dân trồng chôm chôm không còn mặn mà với cây trồng này.
Gắn với khai thác du lịch
Để giữ lại giống đặc sản chôm chôm của địa phương, nhiều nhà vườn ở xã Bình Lộc tham gia mô hình du lịch vườn. Trong đó, vườn chôm chôm trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.
Bà Nòng Quay Phóng, chủ vườn chôm chôm tại ấp Cây Da, xã Bình Lộc, chia sẻ gia đình bà có 0,7 hécta chôm chôm. Vài năm trở lại đây, gia đình bà liên kết với một cơ sở chuyên tổ chức du lịch vườn, trở thành điểm tham quan của du khách. Nhờ đó, bà không còn lo về đầu ra cho loại trái cây này, lợi nhuận thu được từ vườn chôm chôm cũng tăng hơn nhiều so với trước.
Ông Huỳnh Vũ Bảo Giang, chủ Cơ sở Du lịch vườn Dì Hai tại xã Bình Lộc, cho biết thêm, Long Khánh rộn ràng nhất vào mùa du lịch hè nhờ các đặc sản trái cây. Trong đó, vườn chôm chôm là một trong những nét đặc sắc nhất để thu hút du khách về đây thưởng thức trái ngon, chụp ảnh kỷ niệm. Cơ sở Du lịch Dì Hai liên kết với nhiều nhà vườn trồng chôm chôm, cải tạo vườn cây cho phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Cụ thể, với đối tượng đoàn khách học sinh, các em thích vào vườn chôm chôm có tán xòe rộng, tàn cây thấp để thuận lợi hái trái, chụp ảnh. Khách là sinh viên và các bạn trẻ lớn hơn sẽ chuộng các nhà vườn cây chôm chôm lâu năm, có tán nhánh lớn để trải nghiệm việc leo trèo, hái trái.
Ông Lâm Phi Hùng, chủ Nhà vườn Sáu Hùng (ở xã Bình Lộc), cho biết thành phố Long Khánh đã triển khai Đề án Giải pháp lưu trữ, phát triển giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý với cây chôm chôm. Mã QR này bao gồm đầy đủ thông tin của chủ vườn, năm trồng, chủng loại giống, năng suất bình quân và tọa độ vị trí địa lý để định vị cây trên bản đồ Google Map. Mỗi cây được cấp mã QR duy nhất, gắn liền suốt quá trình chăm sóc và khai thác. Vì thế, cây chôm chôm được định danh và truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng ở Đồng Nai và ở khắp nơi có thể đặt mua chôm chôm nhờ nền tảng công nghệ thông tin.
Phó chủ tịch UBND xã Bình Lộc Ngô Thị Kim Oanh cho hay, địa phương khuyến khích nông dân phát triển du lịch vườn, giúp tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Từ nhiều năm trước, UBND xã Bình Lộc đã hình thành Tổ hợp tác du lịch sinh thái vườn với mục tiêu khai thác du lịch vườn mang tính chuyên nghiệp hơn. Đến nay, tổ hợp tác này đã kết nối với khoảng 90 nhà vườn trên địa bàn xã để tạo thành các điểm du lịch vườn. Địa phương tiếp tục hỗ trợ mở rộng quy mô hoạt động của tổ hợp tác, cũng như mô hình du lịch vườn để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của mô hình này trong tương lai.
Bình Nguyên
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn