Ngày 15/12 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP TP Cà Mau tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Ðây là năm đầu tiên áp dụng phương pháp đánh giá, chấm điểm theo hướng dẫn mới, thực hiện phân cấp cho cấp huyện chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao theo Quyết định số 148/QÐ-TTg, ngày 24/02/2023, của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP TP Cà Mau đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 cho 6 sản phẩm
6 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của TP Cà Mau gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bảo Long với sản phẩm rau ăn lá; Tổ hợp tác Lam Dương với sản phẩm tôm khô; hộ kinh doanh hải sản Út An với sản phẩm ba khía trộn sẵn; hộ kinh doanh Hương Quang với sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô; hộ kinh doanh Khánh Nhị với sản phẩm bánh phồng tôm; hộ kinh doanh Tài Chí với sản phẩm cơm cháy chà bông.
Ða số các sản phẩm có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tuy nhiên, Hội đồng góp ý để trong thời gian tới các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt; trong đó chú ý về ý tưởng sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, trau chuốt thương hiệu, các thông tin trên bao bì sản phẩm… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cho sản phẩm của địa phương mình.
Sản phẩm Rượu Quý đạt OCOP 3 sao của Công ty TNHH Phát triển xanh Việt Nam tham gia trưng bày, bán sản phẩm tại sự kiện Festival Tôm Cà Mau năm 2023
Bà Cao Thị Bạch, xã Tân Thành, có sản phẩm khô heo đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2022, chia sẻ: “Sau khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, cơ sở kinh doanh thuận lợi hơn trước. Khách hàng biết đến sản phẩm khô heo nhiều hơn. Tại sự kiện Festival Tôm Cà Mau năm 2023 tôi bán hơn một trăm sản phẩm khô heo và tôm ép. Sắp tới, ngoài phát triển về số lượng sản phẩm, cơ sở quan tâm cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm”.
Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết, để duy trì và nâng hạng các sản phẩm OCOP, thành phố không chỉ thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu chấm điểm sản phẩm, gắn với kiểm tra thực tế, đánh giá trực tiếp sản xuất ở đơn vị mà còn tăng cường hậu kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được gắn sao OCOP. Do đó, đòi hỏi các chủ thể phải tuân thủ quy trình sản xuất đúng như hồ sơ sản phẩm, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm…
Sản phẩm gạo sạch đạt OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn, tham gia trưng bày, bán sản phẩm tại sự kiện Festival Tôm Cà Mau năm 2023
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, toàn TP Cà Mau hiện có 12/17 xã, phường có sản phẩm OCOP. Cụ thể có 17 chủ thể với 28 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, trợ lực để phát triển số lượng sản phẩm được gắn sao và nâng tầm chất lượng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Phấn đấu 100% xã, phường đều có sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền trong thời gian sớm nhất./.
Mỹ Lệ
Báo Cà Mau Online – baocamau.vn