Rất nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông thôn Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường sau khi được công nhận OCOP. Qua đó, càng minh chứng rõ nét những lợi ích và tính hiệu quả mà Chương trình OCOP mang lại.
Nhiều sản phẩm OCOP của Điện Bàn đã khẳng định thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.Linh
Tính đến cuối năm 2023, Điện Bàn có 36 sản phẩm của 27 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã và đang tham gia đánh giá công nhận OCOP, chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến và thủ công mỹ nghệ. Cụ thể, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Số sản phẩm đang tham gia đánh giá năm 2023 gồm 11 sản phẩm.
Chương trình OCOP đã mang đến nhiều thay đổi, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh phát triển sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề dựa trên tài nguyên bản địa, từ đó gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, đạt được thành tựu trên, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ban ngành tỉnh thì sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành, UBND các xã, phường, đặc biệt sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong toàn thị xã đã giúp Chương trình OCOP Điện Bàn đạt nhiều kết quả tích cực.
“Cán bộ xã, phường đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tuân thủ đúng chu trình từ khâu xác định ý tưởng đến xây dựng mẫu phiếu, xây dựng phương án và triển khai phương án kinh doanh vào thực tiễn của từng đơn vị, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm quốc gia, quốc tế” – ông Chơi nói.
Bắt đầu triển khai từ năm 2018, đến nay Chương trình OCOP Điện Bàn đã tạo sự lan tỏa, tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu… nhiều sản phẩm nông thôn Điện Bàn đã phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Từ các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều chủ thể OCOP Điện Bàn đã có cơ hội kết nối đối tác, mở rộng thị trường, xuất hiện trên trang thông tin giới thiệu sản phẩm Quảng Nam và các trang mạng xã hội zalo, facebook… kể cả các sàn thương mại điện tử.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng Chương trình OCOP Điện Bàn vẫn tồn tại những hạn chế khó khăn. Một số sản phẩm làng nghề đặc trưng của Điện Bàn như chiếu chẽ Triêm Tây, bê thui Cầu Mống, bánh tráng Phú Chiêm, mỳ Quảng Phú Chiêm… vẫn chưa tham gia đánh giá, phân loại sản phẩm Chương trình OCOP. Đa số cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu hộ gia đình nên khó khăn trong việc hoàn chỉnh và xây dựng bộ hồ sơ tham gia Chương trình OCOP…
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, để nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình OCOP, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, khởi động triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025… thời gian tới thị xã sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã để quản lý, điều hành Chương trình OCOP theo hướng chuyên nghiệp, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng số lượng, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam, từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ sản phẩm mới đăng ký tham gia OCOP hàng năm, nâng hạng sao cho những sản phẩm đã đạt.
Tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP gắn với trồng và chế biến nguyên liệu theo chuỗi giá trị. Chủ động hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại khác bằng nhiều hình thức như thương mại điện tử, tham gia hội chợ, xây dựng các điểm bán hàng OCOP…
Kết nối sản phẩm OCOP Điện Bàn với các điểm bán hàng OCOP của các huyện, thành phố, trung tâm OCOP trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập, giảm nghèo, giải quyết việc làm lao động địa phương.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả, chuỗi giá trị hàng hóa mà Chương trình OCOP mang lại.
Khánh Linh
Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn