Từ lâu, công việc làm cốm đã trở thành hoạt động truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn xã Nà Chì (Xín Mần, Hà Giang) trước mỗi vụ thu hoạch lúa. Để làm nên những hạt cốm dẻo, thơm, người nông dân phải kỳ công với nhiều công đoạn từ việc lựa chọn những bông lúa nếp đến hong và giã thành cốm.
Người dân cụm 4 Pắc Khuổi Vầy, thôn Nậm Sái, xã Nà Chì ngắt những bông lúa nếp về làm cốm.
Người dân cụm 4 Pắc Khuổi Vầy, thôn Nậm Sái, xã Nà Chì ngắt những bông lúa nếp về làm cốm

Mỗi dịp mùa Thu đến, bà con đồng bào dân tộc Tày cụm 4 Pắc Khuổi Vầy, thôn Nậm Sái, xã Nà Chì lại nô nức, rộn ràng với Hội thi hương cốm. Đây là hội thi được xã tổ chức hằng năm, mang đậm chất dân gian truyền thống nhằm tôn vinh văn hóa lúa nước gắn liền với đời sống người Tày trên địa bàn. Hội thi hương cốm năm nay được diễn ra vào ngày 5.10, khi vụ thu hoạch lúa chuẩn bị bắt đầu. Ngay từ sáng sớm người dân cụm 4 Pắc Khuổi Vầy với bộ trang phục truyền thống, di chuyển ra cánh đồng và ngắt những bông lúa nếp nặng trĩu vẫn còn đọng sương sớm để mang về chuẩn bị cho hội thi. Năm nay, Hội thi hương cốm Nà Chì có sự tham gia của 3 đội là các gia đình trong cụm 4 Pắc Khuổi Vầy. Các đội thi trải qua các công đoạn làm cốm, bao gồm: Hong lúa nếp và giã thành cốm. Mỗi đội thi đều mang đến một sắc thái riêng, phong cách riêng nhưng đều gửi trọn tâm tư, tình cảm và tâm huyết vào những “hạt ngọc trời”. Những đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của các nghệ nhân “miệt vườn” giã hạt lúa cho đến khi hạt cốm tách ra khỏi vỏ trấu, mịn màng và thơm nức. Chị Hoàng Thị Vinh, thôn Nậm Sái, chia sẻ: Tôi có mặt tại hội thi từ sáng sớm và thấy công tác chuẩn bị cũng như tổ chức rất bài bản. Bản thân tôi thấy rất vui khi được cùng gia đình, bạn bè, người thân và du khách đến trải nghiệm, thưởng thức món cốm dân dã của địa phương.

Cốm Nà Chì rất dẻo, thơm.
Cốm Nà Chì rất dẻo, thơm

Đối với đồng bào dân tộc Tày ở Nà Chì nói chung và bà con ở cụm 4 Pắc Khuổi Vầy nói riêng, lúa không chỉ là nguồn lương thực mà còn là biểu tượng của sự no đủ và may mắn. Từ lâu, người dân Nà Chì đã biết cách chế biến cốm từ những hạt lúa nếp non, tạo ra một món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng. Món cốm của người Tày ở Nà Chì có nét khác biệt, bởi hạt cốm dẻo mềm, thơm mùi nếp non, có thể ăn trực tiếp hoặc nấu lên thành các món ăn truyền thống khác như bánh cốm, xôi cốm. Hội thi hương cốm xã Nà Chì không chỉ đơn thuần là một cuộc thi làm cốm mà còn là cơ hội để bà con tụ hội, chia sẻ, thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Ông Hoàng Tiến Bình, thôn Thôm Thọ, xã Nà Chì chia sẻ: Tôi thấy Hội thi hương cốm là hoạt động rất ý nghĩa, một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Tày cần được bảo tồn và phát huy đến các thế hệ sau. Bà con nhân dân mong muốn cốm Nà Chì sẽ được quảng bá rộng rãi để du khách thập phương biết nhiều hơn từ đó phát triển cốm trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho địa phương.

Chủ tịch UBND xã Nà Chì, Đỗ Văn Khiêm cho biết: Hội thi hương cốm không chỉ là dịp để tôn vinh nghề truyền thống mà còn là cơ hội để các thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, mong muốn nghề làm cốm sẽ tiếp tục được duy trì qua các năm. Hội thi nhằm quảng bá sản phảm cốm của Nà Chì, từng bước nâng sản phẩm cốm lên thành sản phẩm OCOP để người dân tiếp tục duy trì phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trong thời gian tiếp theo.

Bài, ảnh: Văn Long

Báo Hà Giang – baohagiang.vn