Ðể du lịch nông nghiệp Cà Mau bứt phá: Liên kết chặt – Lấy người dân làm trung tâm

Cà Mau là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng của ÐBSCL. Do đó, hoàn toàn có cơ sở cho việc nhìn nhận tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong phát triển du lịch nông nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với những chương trình phát triển khác. Trong đó, lấy người dân làm chủ thể trong chuỗi giá trị liên kết.

Gắn tập quán, lối sống người nông dân

Bà Lê Thị Tố Quyên, giảng viên Trường Ðại học Cần Thơ, chia sẻ: “Du lịch nông nghiệp là hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích nhận thức, sở thích, giáo dục hoặc nghỉ dưỡng, bao hàm trong đó cả tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Ở nước ngoài, du lịch nông nghiệp được gọi là du lịch xanh, là nơi nâng cao thu nhập nông thôn, phát triển vùng, bảo tồn môi trường, vui chơi giải trí cho người dân thành thị hoặc là nơi giao lưu giữa thành thị và nông thôn, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa cư dân thành thị và nông thôn đang được phân phối tích cực tại Hoa Kỳ, Thuỵ Ðiển, Tây Ban Nha, Ý, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tỉnh Cà Mau là vùng đất hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch nông nghiệp bởi vị trí địa lý, tập quán sản xuất, văn hoá truyền thống cũng như sản vật do thiên nhiên ban tặng vô cùng phong phú”.


Ðể tạo sự bứt phá trong phát triển du lịch nông nghiệp, Cà Mau cần dựa vào lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương. (Ảnh chụp tại Vườn cò Tư Sự, huyện Thới Bình).

Theo bà Lê Thị Tố Quyên: “Ðể tạo bứt phá trong phát triển du lịch nông nghiệp, Cà Mau cần dựa vào lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương. Qua nghiên cứu của bản thân, Cà Mau có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp có thể tạo sản phẩm du lịch đặc sắc như: du lịch nông nghiệp dựa vào vuông tôm; du lịch nông nghiệp dựa vào rừng; du lịch nông nghiệp dựa vào vườn trái cây; du lịch nông nghiệp dựa vào ruộng lúa”.

Ðối với mô hình nông nghiệp ruộng lúa, có thể phát triển các sản phẩm như ngắm cảnh đồng ruộng, tìm hiểu về quy trình trồng lúa truyền thống; trải nghiệm câu cá trong ruộng lúa, bắt cá, bắt chuột; trải nghiệm công việc nhà nông: trâu cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, tuốt lúa, sàng gạo; đan đát; trò chơi dân gian; chế biến món ăn truyền thống, làm bánh dân gian và tham dự các lễ hội nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp từ rừng, có thể khai thác homestay trải nghiệm ngủ lều trại tại rừng, trải nghiệm ẩm thực từ rừng, giao lưu văn nghệ địa phương…

Bà Lê Thị Tố Quyên chia sẻ thêm: “Khi xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp cho tỉnh Cà Mau cần tạo ra sự khác biệt về sản phẩm du lịch nông nghiệp, dịch vụ giữa địa phương này với địa phương khác, của hộ này so với hộ khác. Muốn tạo sự khác biệt phải dựa trên văn hoá bản địa, cần vận dụng lịch sử, phong thổ, truyền thống… vào sản phẩm, dịch vụ du lịch. Vận dụng cuộc sống người dân và sinh nghiệp của họ vào sản phẩm, dịch vụ du lịch và cảnh quan thiên nhiên vào sản phẩm du lịch. Ðẩy mạnh liên kết, gắn với văn hoá bản địa để từng bước định vị thương hiệu. Nông dân là chủ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp, cần có kỹ thuật nông nghiệp làm nên giá trị cốt lõi của du lịch để sáng tạo từ giá trị vốn có của địa phương, thêm giá trị gia tăng để quảng bá sản phẩm du lịch”.

“Trong việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, cần đặt người dân vào trọng tâm, xây dựng cơ chế để người dân có thể tự lên kế hoạch phát triển cho chính khu vực của mình, trên cơ sở phù hợp quy hoạch chung của cơ quan có thẩm quyền”, bà Lê Thị Tố Quyên bày tỏ.

Có sự liên kết và tương trợ

Thực tế cho thấy, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nông thôn của vùng đã thay đổi diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nâng chất các tiêu chí và đảm bảo tính bền vững của xã NTM đang là thách thức lớn đối với các địa phương. Trước bối cảnh đó, du lịch nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.


Phát triển du lịch nông nghiệp và xây dựng NTM cần có sự liên kết và tương trợ lẫn nhau. (Ảnh chụp tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình).

Bà Dương Yến Phi, giảng viên Trường Ðại học An Giang, chia sẻ: “Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị rất cần cho thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về NTM. Trong đó, sẽ góp phần bảo tồn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, cũng như các ngành nghề truyền thống, tăng thu nhập và cải thiện phúc lợi cho người dân. Du lịch còn giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, hình thức du lịch nông nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo con người phục vụ nhu cầu phát triển”.

Theo bà Dương Yến Phi, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Xây NTM với mục tiêu “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.

Trên cơ sở phân tích nội hàm của du lịch nông nghiệp, những đặc trưng, cũng như vai trò của du lịch nông nghiệp với mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, các địa phương ở vùng ÐBSCL, trong đó có Cà Mau, cần nghiên cứu và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để có thể huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển. Ðồng thời, để tạo bước đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Cần thấy được mối quan hệ tương trợ lẫn nhau giữa phát triển du lịch nông nghiệp và xây dựng nông thôn.


Vận dụng cuộc sống người dân và sinh nghiệp của họ vào sản phẩm du lịch là điều cần lưu ý trong phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.

“Phát triển du lịch nông nghiệp ở Cà Mau được xem là giải pháp hàng đầu để có thể tạo thêm nhiều dấu ấn hơn ở khu vực nông thôn. Từ đó,  không những góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng sông nước Cà Mau mà còn đáp ứng được yêu cầu nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM và đảm bảo sự phát triển bền vững, đúng với tinh thần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”, bà Dương Yến Phi chia sẻ.

Có thể thấy, du lịch nông nghiệp sẽ là mảnh đất màu mỡ cho phát triển du lịch tại Cà Mau. Vì vậy, việc đề ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế trong hoạt động này là điều cần thiết. Ðây là vấn đề mấu chốt, quan trọng để đưa du lịch nông nghiệp tại địa phương bắt kịp với xu hướng chung, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch đang bứt tốc để hồi phục sau đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tin tưởng rằng, với những nhìn nhận đúng bản chất, cũng như những tồn tại bấy lâu trong du lịch nông nghiệp, với những giải pháp phù hợp, du lịch Cà Mau sẽ có sự phát triển xứng tầm một trong những ngành kinh tế trọng điểm trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh./.

Văn Ðum
Báo Cà Mau – baocamau.vn