Đánh thức tiềm năng du lịch Điện Biên

Điện Biên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tuy vậy, để biến tiềm năng riêng có của Điện Biên thành sản phẩm du lịch cụ thể thì còn nhiều việc phải làm.   

Khai thác tiềm năng, lợi thế

 

Với mật độ các di tích dày đặc trong quần thể cụm di tích chiến trường Điện Biên Phủ; nét văn hóa đặc sắc của vùng đất đa dân tộc cùng với những cảnh quan phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng… Điện Biên được đánh giá là địa bàn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch. Để khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch trên địa bàn, tỉnh đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong đó có khách sạn 4 sao, khu du lịch sinh thái 3 sao, một số khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 – 2 sao; ngoài ra, 44 cơ sở được xếp hạng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch… Điều này cũng có thể coi là thành công bước đầu của tỉnh trong phát triển du lịch.

 

 

Đặc điểm đa dân tộc, nhiều bản người dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú… còn lưu giữ khá đậm nét văn hóa truyền thống, hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân cũng là lợi thế của du lịch Điện Biên. Tỉnh đã khai thác tiềm năng này bằng việc triển khai thực hiện Đề án tổ chức, xây dựng bản văn hóa để phục vụ khách tham quan du lịch từ năm 2004. Thực hiện Đề án, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ xây dựng 8 bản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Qua 10 năm triển khai bước đầu đã tạo được diện mạo mới cho du lịch cộng đồng trên địa bàn.

 

Thách thức không nhỏ

 

Tuy hạ tầng du lịch đã được đầu tư khá đẹp nhưng chưa đủ để tạo nên diện mạo xứng tầm cho du lịch Điện Biên. Điểm dễ nhận thấy là nhiều khu, điểm du lịch vừa mở cửa đón khách vừa ngổn ngang xây dựng, sửa chữa. Nhiều loại hình dịch vụ du lịch được mở ra song do tự phát trong dân nên không tránh khỏi tình trạng nhếch nhác, xập xệ. Vấn đề môi trường, cảnh quan ở các khu, điểm du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do xuất phát điểm du lịch của tỉnh thấp so với các trung tâm du lịch lớn của vùng và toàn quốc; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một số đề án trong lĩnh vực du lịch mới được UBND tỉnh phê duyệt và đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai nên chưa phát huy hiệu quả… Đây là những điểm yếu của một tỉnh vốn xác định du lịch là thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.

 

Nắm bắt xu thế để phát triển du lịch

 

Xu thế chung hiện nay của du lịch vùng Tây Bắc là phát triển du lịch lịch sử, tham quan nghiên cứu văn hóa kết hợp du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng… trong mối quan hệ hợp tác liên vùng. Theo Chiến lược Phát triển Du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang – Mường Phăng được Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 45 khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, khu du lịch hồ và tuyến du lịch trên sông nước thị xã Mường Lay; khu du lịch sinh thái khoáng nóng bản Sáng là 2 trong 21 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn đến năm 2020. Với chiến lược phát triển như vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã tích cực tham mưu để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020. Hiện nay, Sở tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và trong khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh Bắc Lào, Đông bắc Thái Lan để hình thành các tuyến du lịch quốc tế và tuyến du lịch theo vòng cung Tây Bắc.

 

Ngoài ra, ngành tăng cường liên kết để hợp tác thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; tham mưu thúc đẩy phát triển một số sản phẩm du lịch bằng mây tre đan, mỹ nghệ của địa phương… Đồng thời, công tác đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch… cũng được quan tâm. Ngành Du lịch cũng tiến hành khảo sát, đánh giá, xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm và thương hiệu cho các điểm tham quan chợ vùng cao như: Chợ Xá Nhè (Tủa Chùa), chợ biên giới A Pa Chải (Mường Nhé). Phát triển du lịch cộng đồng, ngành cũng quan tâm bảo tồn không gian, cảnh quan, kiến trúc và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng; phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan bản của đồng bào dân tộc khu vực hồ Pa Khoang; du lịch khám phá tại động Pa Thơm; du lịch trải nghiệm khám phá ngã ba biên giới A Pa Chải…

 

Tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Điện Biên đã được xác định và từng bước khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Song những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực du lịch tỉnh là không nhỏ. Chính bởi vậy, những nỗ lực nắm bắt xu thế để biến tiềm năng thành thế mạnh du lịch trên địa bàn của tỉnh với những giải pháp đồng bộ tập trung vào phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch… được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực để du lịch Điện Biên phát triển.