Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa

Dù là địa phương giàu tiềm năng về du lịch nhưng nhiều năm qua Thanh Hóa vẫn chưa khai thác hết. Chính quyền địa phương đang nỗ lực “đánh thức” tiềm năng này, nhất là du lịch cộng đồng.

Pù Luông – Sức hút từ núi rừng nguyên sơ

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 130km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 190km, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được du khách biết đến với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh. Pù Luông là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học tầm quốc gia và quốc tế, được xem là khu vực có tiềm năng rất lơn để phát triển du lịch cộng đồng.


Pù Luông được ví là “thiên đường” du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa

Đến với Pù Luông, du khách có thể tìm hiểu di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở nơi này. Các bản Son, Bá, Mười của xã Lũng Cao; bản Kho Mường xã Thành Sơn; bản Đôn xã Thành Lâm; Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng…

Không chỉ có cảnh đẹp nên thơ, ẩm thực nơi đây phong phú với các đặc sản măng đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, vịt Cổ lũng, gà đồi, cá hấp ống tre, ốc núi, xôi ngũ sắc,… hay cùng uống một chum rượu cần với người dân bản địa.

Đêm đến, du khách được trải nghiệm nghĩ dưỡng trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Hoặc có thể lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông như Puluong Natura bungalow, Puluong Retreat, Puluong Eco-garden…  

Để giúp Pù Luông trở thành “thiên đường” du lịch cộng đồng xứ Thanh, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Quyết định số 4513/QĐ-UBND phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án thực hiện trên diện tích 16.986,16 ha thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tổn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm 02 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 182,93 tỷ đồng.

Các loại hình du lịch bao gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch khám phá kết hợp học tập, nghiên cứu chuyên đề về hệ sinh thái rừng trên núi đá, đa dạng các loài động, thực vật rừng, môi trường khí hậu, địa hình; du lịch nông nghiệp.

Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; đầu tư và liên kết phát triển du lịch…

Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Khu BTTN Pù Luông.

Đánh thức tiềm năng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều bản, làng văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như Lúng (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh); bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Bút (huyện Quan Hóa), làng du lịch Yên Trung (Yên Định), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)… Người dân ở đó cũng bắt đầu mạnh dạn và dần làm quen với việc đón khách du lịch đến với quê hương của mình.


Bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) là một trong những địa điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn khi du lịch tại Thanh Hóa

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn dễ nhận thấy nhất là hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nếu như không muốn nói là còn rất thấp kém, sản phẩm du lịch cũng đang đơn điệu và manh mún, nhỏ lẻ, nhân lực làm du lịch chưa chuyên nghiệp và bài bản.

Ðể giải quyết những bài toán khó khăn này, ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho rằng cần phát triển du lịch theo hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải tính toán, lựa chọn công việc theo hướng phục hồi du lịch gắn với phục hồi kinh tế.

Cũng theo ông Thi, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều bản, làng người đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nhằm thực hiện thành công Quyết định số 623-QĐ/TU, ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch (CTPTDL) Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa đưa ra mục tiêu cho các năm 2024 – 2025, đưa du lịch Thanh Hóa phát triển, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, năm 2024: Phấn đấu đón được 13.800.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 718.800 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 32.387 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 295.300.000 USD. Có 56.300 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 82,6% (Đại học trở lên chiếm 10,65%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,0%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 38,95%).

Năm 2025: Phấn đấu đón được 16.000.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 850.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 45.500 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 380.000.000 USD. Có 62.000 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 92,1% (Đại học trở lên chiếm 10,8%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,7%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 39,2%).

Đồng thời, tỉnh cũng đưa ra các giải pháp cụ thể về công tác quản lý về môi trường du lịch cần được quan tâm thực hiện, nhất là việc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới việc xây dựng du lịch Thanh Hoá xanh, sạch, đẹp; tăng cường công tác xử lý rác thải, chất thải trong các khu, điểm du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đưa tất cả các khu, điểm du lịch Thanh Hóa lên nền tảng số thông minh. Tiếp tục nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phát triển du lịch.

Du lịch cộng đồng đang là hướng đi được nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa định hướng, phát triển. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cho thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa của từng tộc người, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðồng thời, phát huy nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; tổ chức các lớp truyền nghề, quản lý văn hóa, tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian, nghiệp vụ văn hóa du lịch cộng đồng nhằm đưa vào phục vụ du lịch.

Kim Oanh
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn