Đắk Nông: Phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất

Đắk Nông xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là các mũi nhọn phát triển kinh tế. Việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông thôn nhằm tăng giá trị đang được các ngành chức năng, địa phương chú trọng.

Biến vườn cây thành điểm du lịch

Tháng 10/2022, Hợp tác xã (HTX) Du lịch Nông nghiệp Cao nguyên M’nông, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa đi vào hoạt động. Hiện đơn vị đang hợp tác với 9 HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại và các điểm du lịch khác trên toàn tỉnh để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch HTX Du lịch Nông nghiệp Cao nguyên M’nông cho biết, việc kết hợp du lịch với sản phẩm nông nghiệp không chỉ đóng góp vào khía cạnh kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Thay vì chỉ có thu nhập từ nông sản, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã biến vườn, rẫy của gia đình thành những điểm du lịch lý thú, gia tăng nguồn thu từ “ngành công nghiệp không khói”.


Nhiều nông dân ở Đắk Nông đã biến vườn, rẫy của gia đình thành những điểm du lịch lý thú, gia tăng nguồn thu (Ảnh: Hồ Mai)

Ngoài các sản phẩm cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều… đã trở nên quen thuộc với khách hàng trong và ngoài nước thì vùng đất Đắk Nông còn đa dạng với nhiều loại trái cây như bơ, sầu riêng, măng cụt, mắc ca, cam, quýt, ổi. Thậm chí, cả lúa gạo cũng là một điểm mạnh mà không phải địa phương nào cũng có.

“Chúng tôi đang tận dụng những ưu điểm và các sản phẩm tiêu biểu của mỗi HTX, mỗi đơn vị trên địa bàn tỉnh để kết hợp phát triển du lịch sinh thái, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các xã viên” – ông Hoàng mong muốn.

Từ tháng 5/2020, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thế Độ, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã quyết định đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới rộng 1.700m2 để trồng nho Hồng Nhật, móng tay, nho kẹo… Sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn nho đang cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ.

Chi phí đầu tư cho vườn nho mùa sau giảm hơn mùa trước, nhưng năng suất sẽ tăng gấp 3 lần kể từ vụ thứ 2. Điều này giúp cho người trồng nho có lãi cao hơn sau vụ thứ nhất. Đặc biệt, mỗi ngày vườn của anh Độ đón tiếp khoảng 150 lượt khách đến tham quan.

“Phần lớn khách đến tham quan đều mua nho mang về hoặc thưởng thức tại chỗ. Vụ thu hoạch nho kéo dài khoảng nửa tháng, nên thu hút được khá nhiều khách tham quan. Ngoài khách đến mua nho, chụp hình, gia đình tôi còn bán được cả dưa lưới, heo rừng nuôi… những sản phẩm nông nghiệp ở trong vườn”, anh Độ phấn khởi.


Với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển gắn với du lịch khám phá

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thông qua hoạt động du lịch nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư, nhất là ngày càng nâng cao thương hiệu nông sản Đắk Nông trên thị trường trong nước và quốc tế. Các mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại sự trải nghiệm mới mẻ đối với du khách mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu và tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông có vị trí địa lý thuận lợi về khí hậu, tài nguyên nước, thổ nhưỡng, đặc biệt tiếp giáp với các tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam. Đây là cơ hội để Đắk Nông phát triển nông nghiệp đa giá trị.

Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp xanh gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn là một trong những hướng đi mà ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, phát triển.

“Nếu như chúng ta đơn thuần chỉ bán những sản phẩm nông nghiệp thì những giá trị tiềm năng như khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, du lịch sinh thái, trải nghiệm… là những thứ chúng ta chưa khai thác được”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, nếu muốn thúc đẩy du lịch nông nghiệp thì ngoài những cảnh quan đẹp thì các địa phương phải tạo ra các sản phẩm đặc trưng của mình.


Sự kết hợp giữa nông nghiệp và phát triển du lịch văn hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương (Ảnh: Hồ Mai)

“Khi lượng khách du lịch đến đây tham quan thì sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngược lại, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Nông tới các địa phương khác trong và ngoài nước” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã liên kết phát triển du lịch nông nghiệp để khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, từng địa điểm dừng chân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Mặt khác, với khoảng 40 dân tộc cùng sinh sống, du khách khi đến Đắk Nông còn có cơ hội trải nghiệm nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Sự kết hợp giữa nông nghiệp và phát triển du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương nói chung, các HTX và người dân nói riêng. Về lâu dài, các HTX phải tính đến việc liên kết với các đơn vị khai thác du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu văn hóa, con người và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Đắk Nông…

T.H
Báo Đắk Nông – baodaknong.vn