Phiêng Mựt là vùng đất sinh sống lâu đời của người Thái ở Mường Giôn. Trước đây có 3 bản, gồm bản Hán, Tính Mé và Phiêng Mựt; đến năm 2019, sáp nhập bản Hán và bản Phiêng Mựt thành bản Phiêng Mựt I, bản Tính Mé thành bản Phiêng Mựt II. Cây trám đen ở Phiêng Mựt là loại cây mọc tự nhiên, sau này, được người dân chiết ghép, trồng xung quanh nhà. Hiện nay, Phiêng Mựt còn hơn 300 cây trám đen từ 10 đến hơn 100 tuổi.
Mùa thu hoạch trám đen bắt đầu vào tháng 8, 9 hằng năm. Trám đen ngày càng được nhiều người ưa chuộng; đặc biệt, trong mâm cỗ rằm tháng 7, trám đen là món không thể thiếu, vừa để dâng lên ông bà tổ tiên, vừa là một món đặc sản của mâm cơm Tết Xíp xí của đồng bào dân tộc Thái. Ông Lò Văn Khích, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Mựt 1, chia sẻ: Hiện nay, có rất nhiều nơi trồng trám, nhưng trám tự nhiên với tuổi đời có cây lên đến 100 năm thì chỉ có ở bản Phiêng Mựt. Bởi theo những người cao niên trong bản kể lại, từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy cây cho quả. Có lẽ, sự kết hợp của thời gian, khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Phiêng Mựt đã tạo ra hương vị đặc trưng riêng của trám đen nơi đây.
Trám đen ở Phiêng Mựt quả to tròn đều, khi chín có màu đen được phủ lớp phấn trắng và đặc biệt khi om trám xong, trám có vỏ rất mỏng, mềm, bùi, béo ngậy và không có vị chua, chát như một số loại trám lai khác. Bình quân một cây trám đen cho thu 100 kg quả; hiện nay, trám đen Phiêng Mựt đang được bán ra thị trường với giá giao động từ 150.000-200.000 đồng/kg.
Bảo tồn và phát huy giá trị của cây trám đen Phiêng Mựt, trung tuần tháng 8 vừa qua, xã Mường Giôn đã tổ chức Hội thi hái trám và ẩm thực Tết Xíp xí của người Thái đen tại bản Phiêng Mựt 1. Sôi động và ấn tượng là phần thi hái trám, mỗi đội cử 1 người đàn ông trèo lên cây trám cổ thụ, dùng cây sào đập thật mạnh, những quả trám đen rụng đầy gốc được thành viên ở dưới nhanh tay nhặt, chả mấy chốc những rổ quả đầy ắp trong tiếng cổ vũ của nhân dân và du khách. Từ những quả trám vừa được thu hái, các chàng trai, cô gái Thái thể hiện sự khéo léo qua phần thi om trám, trình bày mâm cỗ và giới thiệu ý nghĩa của các món ăn dân tộc truyền thống.
Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, chia sẻ: Chúng tôi kỳ vọng qua hội thi, tôn vinh được nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của đồng bào người Thái đen, đặc biệt là đặc sản quả trám đen Phiêng Mựt, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút khách du lịch đến với Mường Giôn.
Với mong muốn quảng bá, giới thiệu tới bạn bè gần xa về quả trám Phiêng Mựt, Đoàn thanh niên xã Mường Giôn đã tổ chức live stream giới thiệu sản phẩm. Chị Phan Thị Linh, Bí thư Đoàn xã, thông tin: Chúng tôi thiết kế bao bì đựng sản phẩm quả trám kèm theo hướng dẫn và cách chế biến trám đen để mọi người được biết và lựa chọn đúng sản phẩm trám đen Phiêng Mựt. Tín hiệu mừng là qua live stream tại hội thi, đã thu hút rất nhiều người xem và đặt mua hơn 400 kg trám đen cho bà con với giá 170.000 đồng/kg.
Cách chế biến trám đen khá đơn giản và làm được nhiều món ăn, nhưng ngon và đặc sắc nhất là xôi trám. Quả trám tươi sau khi hái về mang rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, đun nước ấm khoảng 40-45 độ rồi thả trám vào nồi, đậy vung om khoảng 15-20 phút. Đến khi cầm quả trám bóp nhẹ, phần vỏ mềm tách ra, lộ lớp cùi màu vàng ruộm là được. Xôi nếp sau khi đồ thơm dẻo, trộn đều với mỡ hành để tăng độ ngậy. Khi ăn, chỉ cần dàn mỏng xôi, gỡ miếng cá nướng, thêm vài quả trám, chút chẳm chéo, cảm nhận vị dẻo thơm, đậm đà của xôi nếp hòa lẫn trong hương vị thơm ngọt, bùi của quả trám. Ngoài ra, trám đen có thể rim với thịt ba chỉ và các món kho ăn rất lạ miệng.
Từ loại cây mọc tự nhiên, giờ đây trám đen Phiêng Mựt trở thành loại quả đặc sản được nhiều người tìm mua, là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn hấp dẫn của các nhà hàng. Xã Mường Giôn đang tích cực vận động nhân dân bảo vệ những cây cổ thụ, nhân giống mở rộng diện tích, để trám đen Phiêng Mựt ngày càng nhiều người biết đến và thưởng thức loại quả đặc sản này.