Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (TX Hoài Nhơn) là hai thủ phủ nước mắm truyền thống của Bình Định. Ở đây có nhiều cơ sở làm nước mắm gia truyền, các thế hệ con cháu tiếp nối lưu giữ nghề đến tận bây giờ.

Đặc trưng nước mắm truyền thống Bình Định là có màu vàng cánh gián; mùi thơm nồng nàn đặc trưng; hương đậm đà, vị thanh, khi nếm mặn đầu lưỡi nhưng ngọt hậu ở cổ họng. Để tạo nên phong vị nước mắm truyền thống Bình Định, mỗi cơ sở có bí quyết riêng nhưng điểm chung là sự kết hợp bí quyết gia truyền, truyền thống địa phương với nguyên liệu đặc sản cá cơm của vùng biển quê hương.

Sản phẩm nước mắm truyền thống của Bình Định được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: M.H

Nguyên liệu chính để làm nước mắm là cá biển. Nhờ lợi thế biển và nghề đánh bắt phát triển, Bình Định có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, tươi ngon. Cá làm nước mắm là cá cơm tươi, trộn với muối theo công thức gia truyền, được ủ chượp trong điều kiện lên men tự nhiên tạo thành nước mắm.

Cùng với tâm huyết và nỗ lực của nhiều cơ sở làng nghề, sau những thăng trầm, sản phẩm nước mắm truyền thống ở Bình Định đang dần khôi phục, khẳng định được thương hiệu. Đến nay, sản phẩm nước mắm của nhiều cơ sở đã được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, sản phẩm OCOP.

Không chỉ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, các cơ sở sản xuất nước mắm còn đưa nước mắm truyền thống của Bình Định đến với khách du lịch và xuất khẩu. Ông Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở nước mắm Thái An (xã Cát Khánh, Phù Cát), cho hay: Từ sản phẩm ẩm thực độc đáo của làng nghề, nước mắm truyền thống của Bình Định đang trở thành một thức quà đặc sản của nhiều du khách. Xu hướng mua nước mắm làm quà mỗi khi đi du lịch và những ngày lễ, tết tăng dần. Nắm bắt cơ hội đó, các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước mắm như Thái An đầu tư mạnh mẽ để thay đổi mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Mai Hoàng
Báo Bình Định – baobinhdinh.vn