Các tình nguyện viên tham gia chương trình “Clean up Sơn Trà – Vì một Sơn Trà xanh” trong tháng 4-2024. Ảnh: M.Q
Cuối năm 2023, Viện Công nghệ quốc tế Đại học Đà Nẵng và Furama Resort Đà Nẵng tổ chức trải nghiệm ẩm thực hoa súng trong chương trình hợp tác hữu nghị giữa thành phố Cannes, Nice (Pháp) và Đà Nẵng. Được biết, hoa súng sử dụng trong chương trình lấy từ trang trại vốn là vùng đất hơn 5.000m2 khô hạn tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Anh Đặng Thái Lâm, phụ trách dự án “Nympha – Hoa súng xanh” đang ươm tạo tại Khu Công nghệ cao, cũng là người đã cải tạo trang trại cho biết theo đánh giá của du khách, hoa súng khi được chế biến thành món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và đặc biệt là tôn vinh giá trị ẩm thực của địa phương. Bên cạnh đó, anh Lâm còn triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn hoa súng – cá – ốc – ong trên các vùng đất trũng, nhiễm mặn, có nơi bỏ hoang trên 20 năm trên địa bàn các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Tiến, xã Hòa Liên. Đến nay, lượng khách tham quan mô hình kết hợp du lịch sinh thái mà anh Lâm triển khai ngày càng đông, tạo nên sản phẩm du lịch xanh đầy tiềm năng thời gian tới.
Trong khi đó, mô hình du lịch sinh thái Bana Rita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) sau hơn 1 năm đi vào hoạt động có lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng ổn định với khoảng 3.000 lượt khách/tháng. Mô hình có diện tích hơn 5ha, cung cấp dịch vụ dã ngoại, ngoại khóa kết hợp rèn luyện kỹ năng theo nhu cầu như chăm sóc vật nuôi, chế biến rau, củ, quả thu được tại mô hình… Ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Banarita chia sẻ, việc hình thành nên Bana Rita Glamping Farm từ mong muốn góp phần phát triển du lịch xanh của thành phố.
Hiện Bana Rita tiếp tục phối hợp với các đối tác để trưng bày, bán các sản phẩm OCOP (chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) đặc trưng của các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang nhằm góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, đa dạng dịch vụ phục vụ du khách.
Có thể thấy, du lịch thân thiện môi trường đang là xu hướng tất yếu, ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu hòa mình vào thiên nhiên của du khách như Vườn nho thung lũng Nam Yên (xã Hòa Bắc), Haly farm (xã Hòa Ninh)… Bên cạnh các sản phẩm du lịch xanh trên, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành đang nỗ lực tạo điểm nhấn xanh cho du lịch thành phố, chú trọng tuyên truyền du khách hạn chế xả rác ra môi trường. Ví dụ, tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Furama Resort… hạn chế sử dụng đồ dùng một lần mà thay vào đó là những vật dụng thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, các đồ dùng như bàn chải đánh răng, lược… đựng trong túi giấy; túi đựng đồ của khách cũng là túi cói và nón lá.
Nhằm giữ gìn và tạo mảng xanh cho du lịch, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho các tổ dân phố về quy định khi tham quan tại bán đảo Sơn Trà, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi vẽ tranh về chủ đề Sơn Trà cho học sinh tiểu học toàn thành phố, tổ chức định kỳ các chương trình Clean up Sơn Trà nhằm thu gom rác, trồng cây xanh và làm sạch san hô; tổ chức các đợt triển lãm ảnh về Sơn Trà với các chủ đề đa dạng… Giữa tháng 4 vừa qua, có gần 700 tình nguyện viên tham gia chương trình “Clean up Sơn Trà – Vì một Sơn Trà xanh” với lượng rác thu gom khoảng 1 tấn. Thời gian tới, ban quản lý sẽ triển khai lắp đặt thêm hệ thống bảng biểu có nội dung về cấm xả rác, hạn chế treo phướn, băng rôn trên khu vực bán đảo Sơn Trà để không tạo thêm rác thải.
Mai Quế
Báo Đà Nẵng – baodanang.vn