Sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của thành phố
Hoạt động từ cuối tháng 4-2023 đến nay, Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm là 1 trong những mô hình thí điểm đầu tiên theo Nghị quyết số 82/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố. Nền tảng chính của mô hình là phát triển nông nghiệp thông qua việc trồng cây ăn trái và giữ nguyên cảnh quan, không gian xanh, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa và xây dựng để phục vụ người dân, du khách tham quan, trải nghiệm, tìm về với thiên nhiên.
Với diện tích 5ha, khu du lịch sinh thái này giải quyết việc làm cho gần 25 lao động là người dân địa phương và lân cận. Bình quân mỗi tháng, Banarita Glamping Farm đón từ 2.000-3.000 lượt khách, đa phần là người dân trên địa bàn thành phố, du khách và các đoàn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa. Theo đó, khách tham quan sẽ được trải nghiệm đa dạng các hoạt động như: chăm sóc vật nuôi, trồng cây ăn quả, cắm trại, kết nối và tận hưởng không khí trong lành…
Ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Banarita cho biết, việc được địa phương và thành phố lựa chọn, đề xuất đánh giá, phân hạng tham gia chương trình OCOP là vinh dự đối với các doanh nghiệp phát triển du lịch sinh thái. Đây là kim chỉ nam để doanh nghiệp triển khai các chiến lược phát triển; giữ gìn, phát huy các giá trị, yêu cầu của chương trình OCOP và trở thành mô hình OCOP du lịch tiêu biểu của thành phố. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, lan tỏa mạnh mẽ hơn thương hiệu du lịch sinh thái của Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp xác định đây là mô hình du lịch cộng đồng nên luôn tập trung, xây dựng và triển khai các giải pháp để phát huy tối đa tính cộng đồng.
Trong khu du lịch Banarita Glamping Farm bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng của huyện Hòa Vang và trên địa bàn thành phố. “Hy vọng Banarita Glamping Farm sẽ trở thành mô hình du lịch sinh thái tiêu biểu, tạo điểm nhấn, thu hút du khách, phát triển xứng tầm, tận dụng tiềm năng của du lịch sinh thái tại Đà Nẵng và ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch sinh thái ở Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.
Phát huy hiệu quả mô hình
Theo UBND huyện Hòa Vang, việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn được huyện xác định là một trong những giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành; phát huy lợi thế văn hóa, sinh thái và cảnh quan nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, huyện sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các chủ thể xây dựng và phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, hỗ trợ tư vấn về nhãn hiệu, mẫu mã… để phù hợp làm quà tặng du lịch. Đồng thời, kết nối, quảng bá sản phẩm đến du khách trong nước và quốc tế; tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, phù hợp với văn hóa, điều kiện sinh thái tự nhiên của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Để khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng của nhóm sản phẩm này, huyện sẽ tăng cường tạo sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách; chú trọng phát triển hệ thống các sản phẩm mang tính liên kết cao.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Đăng Huy, việc phát triển sản phẩm OCOP du lịch là một trong những định hướng của thành phố trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của Chương trình OCOP gắn với phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Nghị quyết số 82/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố là cơ sở, tiền đề và định hướng để lựa chọn và phát triển các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn. Để đạt mục tiêu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP du lịch đến năm 2025, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá tiềm năng, triển vọng của các điểm, cơ sở du lịch theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP du lịch và hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện, chuẩn hóa hồ để bảo đảm điều kiện tham gia chương trình OCOP. Trên cơ sở sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên được công nhận, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tại các điểm OCOP du lịch, lan tỏa hiệu quả chương trình gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động liên kết chuỗi, liên kết vùng trong phát triển sản phẩm OCOP du lịch, phát huy giá trị cộng đồng và gắn kết các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương vào sản phẩm. Các chủ thể OCOP du lịch phải tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở, hạ tầng, chất lượng dịch vụ theo phương án đã đăng ký tham gia chương trình OCOP và có sự hỗ trợ cũng như kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của thành phố.
Văn Hoàng
Báo Đà Nẵng – baodanang.vn