Cơm cháy Khắc Yến (Nghệ An) – từ món ăn dân dã trở thành sản phẩm OCOP

Đam mê nấu ăn, chị Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1986) ở xóm Trường Xuân, xã Xuân Tường (Thanh Chương – Nghệ An) quyết định khởi nghiệp với món cơm cháy chà bông. Hiện, chị gặt hái được những thành công bước đầu, biến món ăn dân dã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.

 

 

Từ đam mê nấu ăn thành bà chủ

Có mặt tại cơ sở sản xuất cơm nếp sấy Khắc Yến tại xóm Trường Xuân, bên chén rượu Nếp cái Hoa vàng nhâm nhi cùng món đặc sản “Cơm nếp sấy dăm bông” mặn ngọt, cay nhẹ giòn tan, chúng tôi được ngồi chuyện trò cùng chủ cơ sở Cơm nếp sấy dăm bông và rượu Nếp cái Hoa vàng chị Nguyễn Thị Hải Yến, người con gái miền Tây Nam Bộ xinh đẹp, đảm đang.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến bén duyên với công việc sản xuất cơm cháy từ năm 2019

Với chất giọng nhẹ nhàng chị Yến kể, chị sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, năm 2004, đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đã gặp và kết duyên cùng anh Nguyễn Trọng Khắc. Sau nhiều năm buôn ba ở xứ người, đến năm 2018, hai người về quê Xuân Tường của anh Khắc để sinh sống.

Nơi đất khách quê người, chị Yến gặp không ít khó khăn bởi đất Xuân Tường cằn cỗi, nghề nông chủ yếu trồng lúa, ngô chưa có bước đột phá. Bản thân chị Yến luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để thay đổi được cuộc sống tại vùng quê nghèo nơi đây, ngoài làm nông chị còn làm thêm nghề bún nhưng kinh tế gia đình vẫn cứ khó khăn.

Cơ duyên khởi nghiệp bằng cơm nếp sấy của chị Yến đến rất tình cờ, chị kể: “Trong một lần chị đi dạo ở siêu thị BigC Vinh. Cậu con trai 8 tuổi xin mẹ mua một gói cơm sấy Trà Vinh, về đến nhà con mở cơm sấy ra ăn và nói: Món này ngon, con rất thích mẹ ạ. Mẹ có làm được món này không. Mẹ làm cho con ăn nhé. Vốn thích nấu ăn từ bé và chiều con nên tôi lên mạng học cách làm và sau khá nhiều lần thất bại thì tôi cũng làm thành công món cơm nếp sấy dăm bông vừa ý nhất và không chỉ được cậu con trai mà cả gia đình rất yêu thích”.

Cơm cháy Yến Khắc được làm từ nếp cái hoa vàng khi ăn có vị giòn, xốp, ngậy và đậm đà, không bị cứng

Nhận thấy đây là món ăn vặt tiện lợi, đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể thay thế cho một bữa ăn sáng, ăn giữa buổi cho người già và trẻ em, nông dân đi làm đồng hay làm món ăn cho công nhân trong giờ giải lao sẽ rất phù hợp.

Qua tìm hiểu thị trường được biết, Nghệ An chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất cơm sấy Quỳnh Lưu, trong khi nhu cầu của người dân khá cao. Thêm vào đó, chị là người miền Tây, tin tưởng với gia vị độc quyền, hợp khẩu vị với mọi lứa tuổi, nên chị Yến có ngay ý tưởng khởi nghiệp bằng món cơm cháy chà bông quen thuộc này. Vậy là chị bàn với chồng quyết định dừng công việc hiện tại để tập trung đầu tư sản xuất món ăn và đặt tên là “Cơm nếp sấy Dăm bông – Làng Thượng Thọ”.

Khi mới bắt tay vào sản xuất, vợ chồng chị cũng gặp không ít khó khăn. Sau nhiều lần thất bại, muốn bỏ cuộc, nhưng với sự động viên, chia sẻ của chồng và gia đình, chị đã cố gắng tìm tòi bí quyết, và vượt qua với ý tưởng của mình.

Chị Yến chia sẻ: “Trong quá trình khởi nghiệp, hai vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn và đầu ra của sản phẩm. Trên thị trường, sản phẩm cơm cháy chà bông khá phổ biến và sản xuất theo hướng công nghiệp nên có sự cạnh tranh cao, đặc biệt là về giá. Hơn hết, sản phẩm của tôi mới, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chỗ đứng trên thị trường nên hành trình đến với người tiêu dùng càng gian nan”.

Khó khăn là vậy nhưng anh, chị không nản lòng và quyết tâm theo đuổi ước mơ làm giàu từ món ăn dân dã bằng sự tử tế trong cách nghĩ, cách làm. Đến nay, khởi nghiệp được 5 năm, chị Nguyễn Thị Hải Yến xây dựng được đầu ra ổn định, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh Nghệ An mà sản phẩm còn được đưa ra giới thiệu và tiêu thụ tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hà Nội…

Sắp tới, chị dự định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, và các kênh bán hàng online để tăng doanh số. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình chị đang giải quyết việc làm cho 5-6 lao động của địa phương với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Chị thổ lộ: “Chưa gọi là thành công như mong đợi nhưng so với trước khi khởi nghiệp, kinh tế gia đình cũng thoải mái hơn, hai đứa con có điều kiện học hành đàng hoàng. Tôi đang nỗ lực hoàn thiện và đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa. Hiện, sản phẩm cơm cháy chà bông của tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”.

Lấy chất lượng làm thương hiệu sản phẩm

Theo chị Yến, quy trình sản xuất ra sản phẩm cơm cháy không khó, nhưng làm sao sản phẩm thực sự thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng lại là một thách thức đối cơ sở sản xuất. Ngoài đầu tư máy móc hiện đại, chị đã tìm kiếm, lựa chọn các nguồn nguyện liệu như gạo, ruốc, dầu chiên… đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán lẻ và sản xuất theo đơn đặt hàng của khách

Khác với những sản phẩm cơm cháy trên thị trường hiện nay, chị lựa chọn nguyên liệu là loại gạo nếp cái hoa vàng, Cơm cháy làm từ xôi nếp cái hoa vàng cho vị ngậy, béo, thơm ngon hơn hẳn loại gạo nếp khác và khi nấu chín, cơm có độ kết dính cao. “Với suy nghĩ, mình ăn ngon thế nào cũng muốn khách của mình ăn ngon như thế. Do đó, tôi đã quyết định lựa chọn nguyên liệu là gạo nếp cái hoa vàng để làm dù cho giá nguyên liệu đầu vào cao hơn những loại gạo khác. Tuy nhiên, tiêu chí là chú trọng về chất lượng chứ không xác định cạnh tranh về giá cả”, chị Yến cho biết.

Việc sử dụng công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ chọn nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm, không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị, tạo giòn, sản phẩm cơm cháy Khắc Yến luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn giòn xốp, đậm vị, thơm ngọt tự nhiên của gạo, không có mùi khét dầu.

Đi kèm với cơm cháy còn có chà bông thịt heo và nước sốt ớt với công thức nêm nếm đặc sắc cũng được chị Yến chọn lựa và chế biến bảo đảm tiêu chí nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, không phẩm màu, an toàn vệ sinh…

Sản phẩm rượu sạch “Nếp cái Hoa vàng’’ (Làng Thượng Thọ) của chị rất được khách hàng ưa chuộng

Sau quá trình chuẩn hóa, sản phẩm cơm cháy được sản xuất ra với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, hình thức, bao bì đẹp và chất lượng cũng được nâng lên. Sản phẩm Cơm cháy Yến Khắc đã chính thức được công nhận, cấp sao OCOP và đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ước tính trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất từ 20-30 tấn cơm cháy, doanh thu từ làm cơm cháy hơn 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, gia đình chị Yến thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Từ thành công bước đầu sản phẩm “Cơm nếp sấy Dăm bông”, chị Yến tiếp tục đầu tư hệ thống nấu rượu sạch “Nếp cái Hoa vàng’’. Với hệ thống đầu tư hiện đại, chưng cất khép kín, rượu “Nếp cái Hoa vàng” làng Thượng Thọ mỗi ngày đã cung cấp ra thị trường hàng trăm lít rượu sạch được chưng cất hết độc tố, nhẹ độ, uống không đau đầu.

Với chị Yến, việc được công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội vàng để phát triển sản phẩm. Vì qua tham gia các chương trình, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền, nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến chất lượng thực sự của sản phẩm và không đánh đồng với các sản phẩm khác.

Dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Hải Yến khởi nghiệp với món cơm cháy chà bông không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần giúp lao động địa phương có thêm thu nhập và xây dựng thương hiệu cho quê hương mình.

Ngọc Lan
Tạp chí Kinh tế Nông thôn – kinhtenongthon.vn