Cơm cháy là món ăn mà trong đấy là những câu chuyện lịch sử của các nghệ nhân, là biểu tượng ẩm thực gắn liền với địa danh Ninh Bình là thức quà gây thương nhớ cho mỗi du khách. Thật vậy món ăn đặc sản này có cái thi vị độc đáo rất riêng trong văn hóa ẩm thực của người Ninh Bình.
Cơm cháy, nghe thì thấy đơn sơ và giản dị, nhưng các công đoạn chế biến lại tỉ mỉ và cẩn thận. Tất cả đều được làm thủ công và theo bí quyết gia truyền riêng. Gạo vo sạch, cho vào nồi và nấu chín. Gạo để nấu cơm được lựa chọn kỹ càng. Thông thường, gạo để nấu cơm cháy gồm 2 loại chính là gạo dẻo và gạo khô. Khi pha trộn hai loại gạo này vào với nhau thì cháy sẽ dễ róc và cơm cháy sẽ trở nên xốp, ngon hơn nhiều. Để tạo xém, người nấu thường dùng loại nồi gang thật dày. Khi cơm chín, nhanh tay xới cơm ra chỉ để lại phần cháy xém dưới đáy nồi. Lúc này vẫn tiếp tục để lửa nhưng phải thường xuyên xoay nồi cơm cho chín đều. Khi những hạt cơm đáy nồi đã chuyển sang màu vàng nhạt, lớp cơm cháy mỏng tự bong ra khỏi đáy nồi. Sau đó đến công đoạn lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nilon dùng dần, khi ăn cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chiên lên.
Thành phẩm Cơm cháy ngon có màu vàng rộm, khi chiên miếng Cơm cháy căng phồng hạt cơm bóng bẩy trông rất hấp dẫn, mùi thơm của gạo khi chiên đủ lửa có mùi thơm ngọt nhẹ mùi gạo nếp. Khi ăn miếng cơm cháy giòn rụm nhưng vẫn quyện vị dẻo ngậy của gạo. Món Cơm cháy có thể chấm nước tương, ăn kèm hành phi, hoặc ruốc nhưng ngon nhất là ăn kèm với nước sốt thịt dê làm hương vị thơm ngon hơn rất nhiều.
Đơn sơ giản dị là thế nhưng cơm cháy làm xao xuyến bất cứ thực khách nào khi đến Ninh Bình. Không chỉ là món ăn đặc sản, Cơm cháy còn được xem như quà quý gửi gắm cả tấm lòng của người dân Ninh Bình đến bạn bè và du khách thập phương.
Nguồn: Xuân Thu
dulichninhbinh.com.vn