Chương trình OCOP tạo động lực phát triển kinh tế ở huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nhiều sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Chuong trinh OCOP tao dong luc phat trien kinh te o Ha Tinh hinh anh 1
Từ phát triển mạnh các sản phẩm OCOP về nhung hươu, các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn đã mạnh dạn tăng tổng đàn, đến nay trên toàn huyện có 42.000 con hươu. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Chăn nuôi hươu từ lâu vốn là nghề thế mạnh của huyện Hương Sơn với số lượng trên 42.000 con. Trước đây, người dân chỉ có sản phẩm duy nhất là nhung hươu tươi khiến doanh thu bấp bênh, thị trường bó hẹp do phụ thuộc vào mùa vụ và không có phương thức bảo quản. Thông qua chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh, huyện, những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.

Hiện huyện Hương Sơn có 5 cơ sở có sản phẩm từ nhung hươu đạt chuẩn OCOP, mỗi năm tiêu thụ trên chục tấn nhung hươu cho người chăn nuôi như: Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn; Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà; Cơ sở sản xuất, kinh doanh Nhung hươu Hiền Ngọc; Hợp tác xã Nhung hươu, mật ong Hương Luật; Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung Hươu Việt.

Chị Nguyễn Thu Hiền, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cho biết, sau khi tham gia OCOP, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, công nghệ vào chế biến nhung hươu như: máy sấy, máy cắt, máy xay, hút chân không, hàn miệng túi, hệ thống tủ mát… Hiện đã có 4 sản phẩm từ nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: rượu nhung hươu, nhung hươu tươi, nhung hươu khô thái lát và nhung hươu khô tán bột.

Nhờ khép kín quy trình sản xuất từ chăn nuôi an toàn đến chế biến, bảo quản, năm 2022, Cơ sở nhung hươu Hiền Ngọc đã thu mua cho từ hộ dân trên địa bàn trên 2 tấn nhung hươu tươi để sản xuất và chế biến các loại sản phẩm để cung ứng tại thị trường trong nước và mở rộng tiêu thụ sang Lào, Thái Lan…

Là cơ sở sản xuất lâu đời tại địa phương, sản phẩm kẹo cu đơ Bà Hường được nhiều người dân trong tỉnh Hà Tĩnh biết đến, lựa chọn. Đặc biệt, từ cuối năm 2020, sản phẩm kẹo cu đơ Bà Hường được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở ra nhiều cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, từ đó học hỏi kinh nghiệm và ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, bắt kịp với nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, sức tiêu thụ tăng 30 – 40% so với trước đó.

Chuong trinh OCOP tao dong luc phat trien kinh te o Ha Tinh hinh anh 2
Tham gia chương trình OCOP, cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Bà Hường (huyện Hương Sơn) đã nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nhờ đó lượng tiêu thụ tăng cao và đã có lô hàng 24.000 kẹo cu đơ đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Bà Hồ Thị Thuận, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh kẹo cu đơ Bà Hường chia sẻ, mỗi ngày cơ sở tiêu thụ khoảng 5.000 tấm kẹo cu đơ. Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm cu đơ đã có mặt tại cửa hàng nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội… Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, 50 thùng kẹo cu đơ với số lượng 24.000 cái của cơ sở đã được xuất khẩu sang châu Âu, mở ra cơ hội mới về mở rộng thị trường cho sản phẩm truyền thống của địa phương.

Hương Sơn từ lâu được biết đến là huyện miền núi có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như nhung hươu, cam bù, cu đơ, mật ong… Trước đây, giá trị kinh tế từ các sản phẩm này mang lại không đáng kể do người dân mới chỉ khai thác ở dạng thô, chưa qua sơ chế, chế biến, không có bao bì, nhãn mác… dẫn đến thị trường bấp bênh, kinh doanh thiếu bền vững.

Từ khi Chương trình OCOP khởi động vào năm 2019, đến nay huyện Hương Sơn là địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh với 48 sản phẩm; trong đó có 47 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Chương trình OCOP đã thực sự mang lại “làn gió mới”, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuong trinh OCOP tao dong luc phat trien kinh te o Ha Tinh hinh anh 3
Cơ sở sản xuất, chế biến nhung hươu Hiền Ngọc (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đóng gói sản phẩm nhung hươu khô tán bột. Đây là sản phẩm nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao có sức tiêu thụ mạnh. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

 

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, giai đoạn hiện nay, địa phương đang ưu tiên phát triển kỹ thuật, chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm OCOP cũng được địa phương chú trọng nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, huyện Hương Sơn đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia chương trình OCOP như hỗ trợ mỗi sản phẩm được công nhận 100 triệu đồng, hỗ trợ các cơ sở đi tham gia xúc tiến thương mại ngoài tỉnh, tối đa mỗi cơ sở 10 triệu…

Việc tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu các cấp và chủ thể tham gia Chương trình OCOP cũng được huyện Hương Sơn đẩy mạnh. Qua đó, đã xây dựng nền tảng tư tưởng, tinh thần cho cộng đồng khát vọng vươn lên và cách làm bài bản. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất.

Theo Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đình Long, toàn tỉnh hiện có 237 sản phẩm OCOP; trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận đã nâng cao chất lượng, bao bì mẫu mã, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Thông qua việc kết nối, phối hợp với Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử tổ chức nhiều chương trình livestream quảng bá sản phẩm chủ lực và triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã mở rộng được thị trường.

Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã nay đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị Big C, Vinmart; sàn thương mại điện tử voso, postmart, sendo, shopee…

Đặc biệt, hiện nay, Hà Tĩnh có 6 sản phẩm OCOP 3 – 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu gồm: Bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), Bánh ram Nam Chi – xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) – xuất khẩu sang thị trường Anh; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) – xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; sứa Mai Dung (Thạch Hà) – xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; nước mắm Luận Nghiệp (Thị xã Kỳ Anh) – xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Australia.

Từ kết quả của Chương trình OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng ngày càng vươn xa, nâng tầm giá trị và mang lại hiệu quả, động lực phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Hoàng Ngà

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – TTXVN – dantocmiennui.vn