Chương trình OCOP Quảng Nam: Dấu ấn và khoảng lặng

Quảng Nam đã tạo dấu ấn lớn trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát sinh không ít khó khăn, hạn chế.

Ngành liên quan và chính quyền các cấp cần tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh việc quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

Trong 6 năm xây dựng 395 sản phẩm

Ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, với đặc thù huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, địa phương vẫn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chương trình OCOP.

Giai đoạn 2018 – 2023, từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ và ngân sách huyện bố trí, bình quân hằng năm Bắc Trà My chi 700 triệu đồng cho chương trình này.

Nguồn kinh phí này chủ yếu hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; thiết lập bao bì – mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm…

“Tính đến cuối năm 2023, Bắc Trà My đã có 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao.

Theo kế hoạch, năm 2024 địa phương tiếp tục chi khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP và phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm mới đạt chuẩn 3 sao” – ông Vương cho hay.

Phần lớn chủ thể OCOP cần hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: PV

Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ năm 2018 – 2023, ngân sách tỉnh đã chi hơn 63,7 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP.

Qua 6 năm, chương trình này thu hút 314 chủ thể là các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia; trong đó có đến 157 hộ kinh doanh (chiếm 50%), 107 hợp tác xã (chiếm 34,1%), số chủ thể là doanh nghiệp và tổ hợp tác tham gia còn khiêm tốn với 50 đơn vị (chiếm 15,9%).

Ông Tấn thông tin thêm, tính đến cuối năm 2023 Quảng Nam có tổng cộng 395 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 334 sản phẩm hạng 3 sao và 61 sản phẩm hạng 4 sao. Trong số sản phẩm đạt chuẩn OCOP, có 293 sản phẩm thực phẩm, 32 sản phẩm đồ uống, 23 sản phẩm dược liệu, 45 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2023 do Sở NN&PTNT tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng 6 năm qua chương trình này đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Thế nhưng, thực tế cho thấy đã phát sinh khá nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm quan tâm giải quyết.

Ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My chia sẻ, quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Bắc Trà My còn ở mức độ nhỏ, thiếu tính liên kết và năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng với cơ chế thị trường.

Nhiều chủ thể còn xem nhẹ việc xây dựng phương án kinh doanh, hoặc xây dựng sơ sài, thiếu tính thực tiễn; trong khi đây được xem là nhiệm vụ then chốt, “kim chỉ nam” trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và phát triển sản phẩm OCOP.

Bởi, thông qua xây dựng phương án kinh doanh chủ thể có thể xác định rõ các mục tiêu và lựa chọn những giải pháp để đạt được mục tiêu dựa trên việc cân đối nguồn lực sẵn có kết hợp với huy động nguồn lực bên ngoài.

Ngoài một số hạn chế liên quan đến đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu chương trình OCOP tại cấp huyện, cấp xã, ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, mấu chốt vẫn là nhận thức về chương trình ở các cấp, ngành, chủ thể sản xuất chưa đầy đủ.

Việc rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình ở một số địa phương chưa được sàng lọc, đánh giá kỹ càng, còn nhiều sai sót dẫn đến tình trạng sau khi sản phẩm được UBND tỉnh thống nhất đưa vào triển khai thực hiện thì phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Đáng chú ý, công tác phát triển, nâng hạng sản phẩm còn chậm, hiện có gần 80% sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm đã được công nhận 3 sao nhưng thời gian qua các chủ thể chưa thật sự tâm huyết để nâng hạng và mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm.

Nhóm các sản phẩm thô còn nhiều; một số sản phẩm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo và mẫu mã bao bì còn đơn giản, chưa đa dạng, phong phú. Việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh chưa được chú trọng.

Tình hình ứng dụng và đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất khép kín chưa nhiều; hình thức sản xuất bán thủ công, thủ công vẫn còn khá phổ biến nên chất lượng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP chưa cao.

Vấn đề đáng quan tâm nữa là, tình trạng nhiều chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP cùng một loại sản phẩm (như dầu phụng, dầu mè, nước mắm, gạo nếp…) với chất lượng, bao bì mẫu mã tương đồng làm cho sản phẩm OCOP trở nên đơn điệu, không mang ý tưởng mới, thiếu tính sáng tạo.

Nguyễn Sự

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn