Cao Bằng: Mở rộng thị trường cho nông sản địa phương

Sau nhiều năm nỗ lực hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, các mặt hàng nông sản của nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng ngày càng đa dạng và mở rộng thị trường. Nhiều cửa hàng, siêu thị, hệ thống phân phối trở thành điểm kết nối để đưa nông sản đến với người tiêu dùng. Cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tăng cường giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, nhờ đó sức tiêu thụ, giá trị kinh tế của nông sản địa phương tăng cao.

Với lợi thế là địa bàn trung tâm, thuận lợi cho trao đổi mua bán, Cửa hàng Thương mại tổng hợp Cao Bằng luôn đa dạng các mặt hàng tiêu dùng. Bà Hoàng Thị Tấm, đại diện Cửa hàng cho biết: Nhiều năm nay, đơn vị kết nối với các đầu mối trao đổi hàng hóa 2 chiều; sắp xếp bố trí hợp lý các nhóm hàng giúp người tiêu dùng lựa chọn tiện lợi. 100% hàng hóa có nguồn xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, luôn tươi mới. Riêng các mặt hàng nông sản địa phương phần lớn là sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng quan tâm, sức tiêu thụ mạnh, giá ổn định. Hiện nay, gạo nếp Hương Bảo Lạc có giá 54 nghìn đồng/kg, lạc đỏ 86 nghìn đồng/kg, đỗ xanh bóc vỏ 48 nghìn đồng/kg, đỗ đen 68 nghìn đồng/kg, vừng đen, vừng trắng từ 105 – 110 nghìn đồng/kg, miến dong từ 85 – 150 nghìn đồng/kg, trứng vịt, gà đạt tiêu chuản OCOP từ 4,5 – 6 nghìn đồng/quả, bún khô từ 34 – 40 nghìn đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Nhớ, tổ 17, phường Sông Hiến (Thành phố) cho biết: Hiện nay, thay vì trực tiếp đến các cơ sở sản xuất ở xa trung tâm để lựa chọn sản phẩm, tôi thường xuyên đến các cửa hàng, siêu thị tiện dụng mua sắm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản địa phương. Tôi thấy hàng hóa ở đây khá đầy đủ, chủng loại phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh thực phẩm tươi sống, nhiều đồ ăn được chế biến sẵn rất tiện lợi, hợp lý cho gia đình.

Nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, nhiều cửa hàng tiện ích cung cấp các sản phẩm nông sản thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Bằng hình thức liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cửa hàng thực phẩm nông sản An Lành, phường Sông Bằng (Thành phố) hiện có gần 100 mặt hàng, trong đó 90% là nông sản địa phương thuộc các nhóm thực phẩm, rau quả tươi được sơ chế, phân loại. Chị Hoàng Thị Trang, Chủ cửa hàng thực phẩm nông sản An Lành chia sẻ: Để đảm bảo nguồn hàng quanh năm, chúng tôi duy trì sản xuất rau, củ, quả theo mô hình 3.000 m2 nhà màng, nhà lưới tại xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố); liên kết với nhiều nhà vườn, hộ gia đình tại các địa phương trong tỉnh cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn như rau xanh, gừng, nghệ, mật ong, dưa lưới, thịt lợn đen, đỗ xanh, lạc, gà, vịt, trứng… Tập trung đổi mới hình thức bán hàng, ngoài bán trực tiếp còn nhận ship các đơn đặt hàng theo nhu cầu người mua. Hiện, mức tiêu thụ hàng nông sản qua các trang mạng xã hội của cửa hàng chiếm trên 50% tổng doanh thu.

Tại Siêu thị Ngọc Xuân, các sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương được bố trí trưng bày ngay gian trung tâm, tạo sự chú ý cho khách hàng mua sắm. Bà Mai Thị Minh Châu, Phó Giám đốc siêu thị cho biết: Đơn vị ký kết với nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình để đa dạng hóa các sản phẩm. Đồng thời, yêu cầu thường xuyên đổi mới hình thức, bao bì, mẫu mã; chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, tại siêu thị có 50 mã hàng là nông sản địa phương. Ngoài ra, siêu thị liên kết bán các sản phẩm nông sản trên hệ thống siêu thị toàn quốc và trên các sàn thương mại, giao dịch điện tử.

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc hữu, OCOP của tỉnh

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 13 sản phẩm đạt 4 sao và 131 sản phẩm 3 sao của 91 chủ thể, trong đó có 27 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất, kinh doanh. Trong năm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Sở Công thương hỗ trợ trên 50 lượt chủ thể tham gia các sự kiện, lễ hội, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tại các tỉnh, thành phố; bố trí các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ nhất – Techfest Cao Bằng năm 2024 và các sự kiện quan trọng của tỉnh, khu vực.

Để các sản phẩm nông sản tiềm năng của tỉnh tiếp cận sâu thị trường, đặc biệt là hệ thống siêu thị quy mô lớn đòi hỏi người sản xuất cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như giấy đăng ký kinh doanh, thông báo về tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các giấy chứng nhận tiêu chuẩn khác như VietGAP, OCOP, hữu cơ… Sở Công thương tiếp tục tham mưu tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến…

Tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, giữa tổ chức xúc tiến thương mại với doanh nghiệp cũng như liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính, áp dụng hiện đại hóa hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính…

Thái Hà

Báo Cao Bằng – baocaobang.vn