Cần Thơ khai thác thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn

Thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch sông nước ở Cần Thơ nói riêng hay cả vùng ĐBSCL dần thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.

 

Từ khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng và các chuyến bay từ Cần Thơ đi một số vùng miền trong cả nước được mở, lượng du khách trong và ngoài nước đến với “miệt vườn sông nước” Cần Thơ ngày càng nhiều hơn. Cùng với đó, với lợi thế nằm ở trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ hội đủ những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái, sông nước khi du khách dễ dàng “nhìn và cảm” những hình ảnh ghe, xuồng ba lá lướt nhẹ trên sông và ngắm những vườn cây trái xum xuê, trĩu quả…

 

Vài năm gần đây, các điểm du lịch sinh thái ở Phong Điền luôn là điểm lựa chọn khi du khách đến với Cần Thơ. Bởi từ trước đến nay nơi đây đã là một vùng nông thôn hữu tình với những vườn cây ăn trái xum xuê. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn khi du khách thực hiện một chuyến du lịch bằng đường sông với điểm xuất phát từ Bến Ninh Kiều. Từ đây, du khách có dịp trải nghiệm nét đẹp của đô thị vùng sông nước khi chiếc ghe sẽ lướt êm trôi đi qua chợ cổ Cần Thơ, Chợ nổi Cái Răng v.v.. với những khoảnh khắc mua bán trên sông, xuồng ghe tấp nập.

 

Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại – Du lịch huyện Phong Điền cho biết, huyện được xác định là vùng đô thị sinh thái phía tây, là “lá phổi xanh” của thành phố. Thời gian qua, địa phương chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành du lịch. Qua đó, lấy du lịch làm tiền đề cho phát triển thương mại – dịch vụ.

 

“Tập trung nhất là nâng chất lượng các điểm du lịch để phục vụ tốt cho du khách. Đồng thời với đó là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. Năm nay, Cần Thơ  sẽ tập trung cho 2 mô hình này để tạo điểm nhấn cho du lịch Phong Điền. Hiện ở đây có các điểm du lịch nổi tiếng như Làng Du lịch Mỹ Khánh, du lịch tâm linh có Thiền viện Trúc lâm Phương Nam. 2 điểm này thu hút du khách rất đông”, ông Giúp cho biết.

 

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ có hệ thống kênh rạch chằng chịt đặc trưng của vùng sông nước. Nắm bắt được thế mạnh này, những năm gần đây, Cần Thơ đã chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển du lịch. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết từ việc đầu tư đúng hướng, du lịch thành phố đang có những bước chuyển mình tích cực, từ việc xây dựng, triển khai các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến đặc trưng cho đến các hoạt động liên kết, quảng bá… nhằm tạo vị thế cũng như hình ảnh du lịch.

 

Riêng trong năm qua, ngành du lịch Cần Thơ đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách với doanh thu từ du lịch đạt trên 1 ngàn 100 tỷ đồng. Điều này cũng chứng minh được du lịch thành phố thu được nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng các sản phẩm du lịch; đồng thời, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch có hiệu quả với các vùng miền, trung tâm đầu mối du lịch.

 

Ông Lê Minh Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó có thể kể đến là chợ nổi Cái Răng sẽ được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, sẽ khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch đường sông thông qua hệ thống các cồn dọc sông Hậu cũng như các điểm vườn, khu du lịch”.

 

Với việc xác định kinh tế du lịch là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế, hiện Cần Thơ đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các mô hình, sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trong và ngoài nước.

 

Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ nêu rõ, ngành du lịch thành phố sẽ xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới như chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer tại chùa Pothysomrom, quận Ô Môn; hệ thống nhà cổ, lễ hội trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt; khôi phục vườn cò Bằng Lăng và làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ; đồng thời tổ chức các tour du lịch trải nghiệm ở các nông trường.

 

“Ngoài việc tôn tạo, nâng cấp điều chỉnh những hoạt động để đảm bảo cho phát triển du lịch, Thành phố cũng sẽ tiếp tục tạo ra thêm một số sản phẩm du lịch, nhiều điểm di tích được đầu tư xây mới. Trong đó như đình thần Tân An, di tích chi bộ đầu tiên ở Cờ Đỏ, di tích Mộc quán Nguyễn Trọng Hoàng, đền thờ Cụ Châu Văn Liêm. Còn có di tích lộ vòng cung được công nhận di tích cấp quốc gia cũng sẽ được đầu tư xây dựng”, ông Tân cho biết.

 

Nhiều năm trước đây, mỗi khi đến với ĐBSCL, du khách phương xa cảm nhận chỉ cần đến một điểm du lịch trong vùng sẽ biết được cả vùng có sản phẩm du lịch gì nên mất dần sức hút. Từ những cố gắng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch sông nước ở Cần Thơ nói riêng hay cả vùng ĐBSCL dần thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.

 

Tuy nhiên, việc không ngừng đổi mới các loại hình nhằm thay đổi sở thích cho du khách, tạo sự thích thú để khám phá; đồng thời “nâng chất” đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề v.v.. thì mới có thể tạo đòn bẩy đưa du lịch Cần Thơ ngày càng phát triển bền vững, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực ĐBSCL./.